Đẩy mạnh đào tạo bác sĩ gia đình

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Hoạt động của y học gia đình tại Việt Nam và vai trò của bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh theo mô hình bác sĩ gia đình” do Đại học Y Hà Nội và Đại học Liège (Bỉ) đã phối hợp tổ chức ngày 8-11.

(SGGP).- Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Hoạt động của y học gia đình tại Việt Nam và vai trò của bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh theo mô hình bác sĩ gia đình” do Đại học Y Hà Nội và Đại học Liège (Bỉ) đã phối hợp tổ chức ngày 8-11.

PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta chưa chú trọng đúng mức tới y học gia đình. Đến nay, Đại học Y Hà Nội chỉ đào tạo được 100 chuyên khoa cấp I bác sĩ gia đình và 500 bác sĩ chuyên khoa định hướng. Trong khi đó, bác sĩ gia đình có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh cho rất nhiều người mà chi phí về y tế thấp hơn nhiều so với việc áp dụng những kỹ thuật cao. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, cần bắt tay thực sự và đẩy nhanh hơn nữa việc đào tạo hệ thống bác sĩ gia đình để mạng lưới chăm sóc sức khỏe tại nhà đạt được hiệu quả cao nhất.

PGS-TS Lưu Ngọc Hoạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp với gánh nặng bệnh tật kép cả bệnh lây truyền và không lây truyền. Với sự phát triển kinh tế trong thời gian vừa qua, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cũng có những sự thay đổi đáng kể. Đây là giai đoạn y học gia đình cần được phát huy dựa vào kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đi trước.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh lợi ích của việc phát triển mô hình y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe ban đầu như: tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong. Tại Anh, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu tăng thêm chỉ một bác sĩ gia đình cho cộng đồng khoảng 10.000 dân sẽ giảm được 6% tỷ lệ tử vong chung.

K.QUỐC

Tin cùng chuyên mục