Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, lãnh đạo chính quyền TPHCM đã kịp thời đề ra nhiều giải pháp đột phá tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), ổn định thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN TPHCM nói riêng và các tỉnh, thành nói chung. Trong đó phải kể đến chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành đã được triển khai thành công trong nhiều năm qua.
Kết nối sức mạnh của doanh nghiệp Việt
Ngày 28-12-2012, lần đầu tiên tại TPHCM diễn ra chương trình kết nối cung cầu hàng hóa của các DN, HTX sản xuất của các tỉnh với các hệ thống phân phối tại TPHCM. Từ đó đến nay, chương trình không chỉ được thực hiện định kỳ hàng năm từ 1-2 lần, mà còn được nhân rộng đến nhiều tỉnh, thành và vùng, miền, đồng thời nhận được sự đồng thuận rất cao của lãnh đạo và DN của cả nước.
Khách tham quan, mua sắm tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2016 Ảnh: THÀNH TRÍ
Thông qua hoạt động kết nối giao thương các hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TPHCM đã tìm được nhiều nhà cung cấp có uy tín các sản phẩm chất lưọng từ các địa phương. Từ đó giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trước sức ép về nhiều mặt của các sản phẩm ngoại nhập, từng bước đưa các đặc sản vùng miền vào hệ thống phân phối hiện đại bằng nhiều hợp đồng cụ thể được ký kết thông qua hội nghị tăng từng năm.
Nếu năm 2012, năm đầu tiên Sở Công thương TPHCM tổ chức hội nghị kết nối với 14 tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, chỉ có 198 DN tham gia ký kết 43 hợp đồng; năm 2013, hội nghị có 23 tỉnh, thành và 347 DN tham gia, ký kết 229 hợp đồng; năm 2014 có 38 tỉnh, thành, trên 1.100 DN tham gia, ký kết 347 hợp đồng; thì đến năm 2015, hội nghị có 30 tỉnh, thành, trên 1.250 DN tham gia, ký kết 482 hợp đồng.
Về giá trị hàng hóa, trung bình mỗi năm giao thương 2 chiều doanh thu đạt 22.132 tỷ đồng. Trong đó, các DN TPHCM đã tiêu thụ hàng hóa trị giá gần 15.500 tỷ đồng của các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá trên 6.630 tỷ đồng. Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các DN TPHCM và các tỉnh, thành đã trở thành đầu mối tiêu thụ khoảng 80.000 tấn vải thiều/mùa, chiếm 65% sản lượng vải của tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ củ hành tím của tỉnh Sóc Trăng; Cà chua của tỉnh Lâm Đồng…
Mới đây nhất, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành tổ chức trong 2 ngày 25 và 26-11 vừa qua đã thu hút gần 1.000 DN đến từ 38 tỉnh, thành. Kết thúc hội nghị đã có 412 hợp đồng, biên bản ghi nhớ cung cầu và bao tiêu sản phẩm được ký kết. Chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp TPHCM đến đầu tư, liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường. Các địa phương tham gia kết nối còn tổ chức tập huấn cho nông dan về quy trình sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP, vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm, qua đó nâng cao hiệu giá trị sản phẩm Việt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động.
Qua 5 năm triển khai, các đơn vị như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Sài Gòn Co.op, Satra, Vissan, Ba Huân, San Hà, Vinh Phát, Tấn Vương... đã thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng.
Các đơn vị đã xây dựng 38 nhà máy, cơ sở sản xuất; 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng; 53 siêu thị, trung tâm thương mại, 55 cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ tổng vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng. Liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN bán lẻ tại TPHCM như Saigon Co.op, Fahasa, Big C, Nguyễn Kim… đã đầu tư 13 trung tâm thương mại, 269 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Và cần sự thấu hiểu của các bên
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mang lại, trong qua trình triển khai chương trình vẫn còn 187 hợp đồng nguyên tắc ký kết thực hiện không hiệu quả, do số lượng hàng hóa, bao bì, mẫu mã chưa đa dạng phong phú; sản phẩm mang tính chất thời vụ thiếu sự cung ứng thường xuyên và lâu dài. Tỷ lệ chiết khấu, phương thức thanh toán, phương thức giao nhận hàng hóa... cũng là những khó khăn chung cho các DN có quy mô vừa và nhỏ, các HTX đang cần có sự hỗ trợ của lãnh đạo các địa phương, sự chia sẻ của các nhà phân phối lớn.
Lần đầu tiên tham gia Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2016, bà Nguyễn Thị Chiến, Phó Giám đốc Công ty CP Nông Lâm Sản Kim Bôi, cho biết, đã mang 30 sản phẩm tiêu biểu của công ty, trong đó chủ yếu là các mặt hàng đặc sản của bà con dân tộc Tày, Mường với hy vọng sẽ mở rộng thêm thị trường tiêu thụ phía Nam. Hiện nay, khoảng 80% sản phẩm làm từ măng của công ty đã có mặt tại các siêu thị Co.opmart, Big C, VinMart ở TPHCM. Dù được Big C, VinMart hỗ trợ bằng cách tính chiết khấu 0%, Saigon Co.op áp dụng chính sách ưu đãi, nhưng đến nay, việc bán hàng vào kênh siêu thị vẫn chưa có lãi, chủ yếu là mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Chiến, chủ nông trang Hải Âu (tỉnh Long An), cho rằng người tiêu dùng không quay lưng lại với sản phẩm sạch và bản thân nông dân cũng ý thức sản phẩm sạch có lợi thế cạnh tranh, nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên nông sản trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. Do đó, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công thương trong liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Doanh nghiệp Tứ Sơn, chủ đầu tư siêu thị Tứ Sơn (An Giang) cho biết, mặc dù doanh số mua và bán hàng, cũng như các hợp đồng, bản ghi nhớ cung cầu qua các kỳ hội nghị kết nối tăng khá cao nhưng cũng chỉ đạt khoảng 90% số hợp đồng đã ký. Một trong những nguyên nhân khiến 10% số hợp đồng không thực hiện được là do các nhà cung cấp không đảm bảo cung cách giao hàng, chiết khấu hợp lý… Theo ông Sơn, để có được mức giá bán lẻ tốt nhất, Tứ Sơn áp dụng biện pháp “mua đứt, bán đoạn”, tức khi nhà cung cấp giao hàng, siêu thị sẽ thanh toán ngay. Cách làm này đòi hỏi các đối tác phải tính toán giá hợp lý cho siêu thị thì mới có thể tính đến chuyện làm ăn lâu dài. Nhưng điều đáng tiếc, không phải đối tác nào cũng ý thức được cách mua bán của Tứ Sơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cũng cho rằng, phải tăng cường các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa nhà cung cấp và phân phối để nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc thì mới có thể thực hiện tốt hơn các hợp đồng, bản ghi nhớ đã ký kết.
HẢI HÀ