Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán chỉ cách nhau một tháng nên sức mua sẽ tăng mạnh vào tháng giáp tết, lượng hàng hóa tiêu thụ dự báo tăng khoảng 20% so Tết Quý Tỵ năm 2013. Nhằm đảm bảo ổn định thị trường tết, các doanh nghiệp (DN) trong Chương trình Bình ổn thị trường đã sớm xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ, tạo nguồn hàng và cung ứng.
Liên kết với nông dân
Theo nhận định của Sở Công thương, hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng năm nay của DN trong tiếp tục đi vào chiều sâu, có định hướng, chiến lược lâu dài. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, bằng sức sáng tạo của mình và định hướng đúng đắn của chính quyền TP, các DN đã không ngừng mở rộng kinh doanh, tăng cường đầu tư, liên kết đầu tư, ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với người nông dân tại TPHCM và các tỉnh, thành.
|
Tại buổi làm việc với Tổ kiểm tra công tác bình ổn thị trường ngày 21-11 vừa qua, Công ty TNHH Phạm Tôn đã giới thiệu mô hình liên kết 3 bên: hợp tác xã chăn nuôi - đơn vị cung cấp con giống; thức ăn chăn nuôi - đơn vị ứng vốn và bao tiêu sản phẩm. Có thể nói, mô hình này đã khai thác triệt để thế mạnh của mỗi bên, nếu như người nông dân yên tâm chăn nuôi, sản phẩm được bao tiêu với giá cố định, thì đơn vị cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi cũng thiết lập được thị trường ổn định, trong khi đó đơn vị ứng vốn và bao tiêu sản phẩm có được nguồn hàng ổn định, chất lượng đảm bảo.
Ông Nguyễn Khánh, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi gia cầm thủy sản Bình Hòa (Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết: “Nếu như trước đây chúng tôi nuôi gia công, mỗi năm chỉ được 3 lứa do lệ thuộc kế hoạch của đơn vị đặt hàng, thời gian trống chuồng kéo dài, thì hiện nay sau khi tham gia mô hình liên kết ba bên của Công ty TNHH Phạm Tôn, chúng tôi có thể chủ động nâng lên 5 - 6 lứa/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn, thu nhập và cuộc sống của người nông dân vì thế cũng được lên”.
Về công tác chuẩn bị hàng tết, bà Tôn Thanh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Phạm Tôn, cho biết, ngoài hệ thống trang trại chăn nuôi tự đầu tư, hiện công ty kết hợp với đối tác đã triển khai mô hình này đến 5 trang trại, với tổng đàn gà hơn 600.000 con gia cầm, tăng 25% so năm ngoái. Ngoài ra, Phạm Tôn cũng đang hoàn tất quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để cung ứng sản phẩm đạt chất lượng cao. “Trong số 8 trại chăn nuôi của công ty, đã có 6 trại được công nhận VietGAP.
Đối với các trang trại liên kết chăn nuôi giữa Phạm Tôn và các đối tác, công ty cũng đang có sự đầu tư, khuyến khích các DN, HTX như HTX Bình Hòa... chăn nuôi theo chuẩn VietGAP nhằm đồng bộ hóa về chất lượng, hướng tới phát triển bền vững” - bà Thanh Thùy cho biết.
Trong khi đó, Công ty TNHH San Hà và HTX chăn nuôi thủy sản Gò Công (huyện Gò Công, Tiền Giang) cũng đã ký hợp đồng ứng vốn, bao tiêu sản phẩm gà ta gần 2 năm nay. Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm HTX Gò Công cho hay: “Nếu như trước đây, các xã viên chỉ nuôi có quy mô nhiều nhất 500 con gà thịt, khoảng 1.000 con gà mái đẻ, nay số lượng đàn gà thịt của xã viên đã tăng lên từ 2.000 - 10.000 con gà thịt. Dù số lượng gà thịt của HTX tăng liên tục nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của đối tác. Hiện nay, HTX đang tính toán mở rộng quy mô chăn nuôi”.
Đẩy mạnh hợp tác đầu tư
Từ năm 2011 đến nay, triển khai Chương trình hợp tác thương mại, Sở Công thương TPHCM thường xuyên phối hợp sở công thương các tỉnh, thành miền Đông và miền Tây Nam bộ rà soát, lựa chọn DN để giới thiệu, kết nối sản xuất kinh doanh, mở rộng liên kết đầu tư sản xuất, phát triển mạng lưới thu mua, hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị sản xuất - phân phối giữa TPHCM và các tỉnh, thành.
Để triển khai tốt các nội dung trong chương trình, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đã triển khai 7 dự án hợp tác đầu tư tại Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, An Giang tập trung phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, phát triển nguồn nguyên liệu… Công ty Vissan triển khai 5 dự án chăn nuôi và liên kết chăn nuôi tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An… với tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng và tiêu thụ sản phẩm gần 2.400 tỷ đồng/năm. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) cung ứng con giống cho 13 tỉnh, thành miền Tây và một số tỉnh miền Đông. Sargi hiện đang xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu tại Long An, tổng vốn đầu tư 192 tỷ đồng.
Công ty TNHH Ba Huân triển khai 3 dự án liên kết với nông dân tại Long An, Kiên Giang và Bình Dương theo phương thức đầu tư mỗi năm gần 350 tỷ đồng cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu số lượng sản phẩm với tổng giá trị lên đến 500 tỷ đồng/năm. Saigon Co.op triển khai 5 dự án phát triển hệ thống phân phối, liên kết sản xuất, ứng vốn khoảng 900 tỷ đồng và tiêu thụ sản phẩm của các địa phương khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm…
Trên thực tế, việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư với các tỉnh, thành hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm giúp người dân tìm được đầu ra ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là nền tảng để TPHCM cân đối cung cầu, ổn định thị trường, giá cả hàng hóa.
| |
ĐỒNG - HÙNG