Đẩy mạnh liên kết vùng

Đề án liên kết vùng với sự tham gia của 4 nhà do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Viện Lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL xây dựng với nội dung chính là tập trung liên kết bộ ngành trung ương và chính quyền địa phương, liên kết viện, trường, liên kết doanh nghiệp và tổ chức nông dân để trở thành liên kết vùng với sự tham gia “4 nhà” thực hiện các mục tiêu cụ thể: Lai tạo và chọn lọc giống lúa, giống cây ăn trái và cá da trơn cho năng suất và chất lượng cao, chống chịu dịch bệnh và thích ứng điều kiện tiểu vùng sản xuất ĐBSCL, đồng thời đáp ứng được đòi hỏi thị trường và thay đổi khí hậu sắp tới; xác định các giải pháp kỹ thuật canh tác và kỹ thuật sau thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng các giống cây trồng và vật nuôi được chọn tạo; nâng cao thu nhập nông dân qua huấn luyện và chuyển giao khoa học - công nghệ và kỹ năng quản lý nông nghiệp để thực hiện các mục tiêu nêu trên.

Đồng thời, huấn luyện nghề và chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp trong nông thôn với phương châm “ly nông bất ly hương” cũng được đặc biệt quan tâm; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa gạo, cây ăn trái và cá da trơn qua quản lý chuỗi cung ứng từ dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ, dựa vào quy hoạch sản xuất của chương trình Chính phủ. Trong đó, việc nối kết sản xuất nông dân và doanh nghiệp qua giải pháp tham gia “4 nhà” sẽ được đặc biệt quan tâm; phản hồi cơ chế, tổ chức và chính sách về liên kết vùng và tham gia “4 nhà” đến trung ương và địa phương.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, việc xây dựng chương trình tổng thể với 5 dự án này là cách tập hợp và liên kết cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện liên kết vùng và tham gia “4 nhà” nhằm phát triển sản xuất lúa - gạo, cây ăn trái, cá da trơn và nâng cao thu nhập nông dân sản xuất các ngành hàng này. Đó cũng là giải pháp tham gia thực hiện NQ 26 của BCH TƯ Đảng và NQ24 của Chính phủ thành công hơn. Ngoài ra, việc thực hiện đề án này là cơ hội thực tế và điển hình trong tiến trình thực hiện NĐ115–CP và các cơ chế và chính sách trong kinh tế hội nhập và thích ứng thay đổi khí hậu vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục