Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là phương thức tổ chức sản xuất, liên kết hộ cá thể. Phương thức này giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, huy động các nguồn lực sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, giảm chi phí, tăng thu nhập. Nhưng vấn đề nhân lực, nguồn vốn còn hạn hẹp đang cản trở phát triển kinh tế tập thể.
HTX Phước An (huyện Bình Chánh) sản xuất rau an toàn, nhưng vẫn còn thiếu vốn, nhân lực
HTX Phước An (huyện Bình Chánh) sản xuất rau an toàn, nhưng vẫn còn thiếu vốn, nhân lực

Ổn định trong mùa dịch nhờ HTX

Theo Liên minh HTX TPHCM, thông qua việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể mà lĩnh vực nông nghiệp đã có những bước khởi sắc tích cực trong 5 năm qua. Năm 2015, TPHCM có 69 HTX, đến năm 2020 đã tăng lên 112 HTX, với 2.551 thành viên, bình quân thành lập mới 8-10 HTX/năm. Tuy nhiên, quỹ đất nông nghiệp thành phố ngày càng thu hẹp, một số HTX cũng gặp khó khăn về vốn, không có nhà xưởng, nhà sơ chế, lao động có tay nghề thấp…

Nắm bắt được tình hình khó khăn trên, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan ban ngành, các HTX đã chủ động huy động nguồn lực để thực hiện dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; một số HTX còn chuyển sang mô hình chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết giữa các HTX nông nghiệp với hệ thống HTX thương mại, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên.

Với đặc điểm nông thôn mới, huyện Củ Chi có số lượng HTX nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, với 38/50 HTX đang hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2020, dù phải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tổng doanh thu của các HTX ước đạt khoảng 80 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động là hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, nhìn nhận, thành quả trên là nhờ các HTX nông nghiệp đã chủ động mở rộng hoặc thành lập các chuỗi liên kết giữa các HTX nông nghiệp và hệ thống HTX thương mại, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đặc biệt, sản phẩm địa phương còn “tham gia” vào thị trường xuất khẩu.

Đơn cử, HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn trở thành đầu mối cung cấp con giống, kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi cá cảnh trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận cũng như xuất khẩu nước ngoài, góp phần tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 hộ gia đình tại địa phương. HTX Hoa lan Huyền Thoại với tổng sản lượng tiêu thụ trong và ngoài nước đạt gần 5 triệu cành hoa lan và 40.000 cây giống.

Với tiềm năng huyện đảo, theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết, dựa vào thổ nhưỡng, môi trường, huyện định hướng phát triển cá dứa, tôm thẻ chân trắng và chim yến. Xây dựng được thương hiệu sản phẩm khô cá dứa một nắng theo quy trình nuôi khép kín từ giống đến chế biến, nhằm gia tăng giá trị hàng hóa và phát triển lâu dài.

Cùng với đó, HTX tôm và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghiệp cao xây dựng và triển khai “Dự án đầu tư thực nghiệm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh” nhằm sản xuất ra sản phẩm tôm sạch, giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. 

Hỗ trợ lãi vay và phương án sản xuất

Trong kinh tế tập thể, Sở NN-PTNT TPHCM xây dựng và triển khai chính sách ưu đãi về tín dụng khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm nông nghiệp đô thị của thành phố. Theo Sở NN-PTNT thành phố, chính sách hỗ trợ lãi vay được xem là chính sách đòn bẩy giúp phát triển kinh tế tập thể. Bình quân vốn vay giai đoạn 2011-2015 đạt 269 triệu đồng/phương án, đã tăng lên 533 triệu đồng/phương án trong giai đoạn 2016-2020, tăng gấp 2,05 lần.

Xác định chất lượng nguồn nhân lực quản lý HTX là yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ HTX hoạt động có hiệu quả, đã có chính sách hỗ trợ 1,2 triệu đồng/cán bộ có trình độ đại học, 800.000 đồng/cán bộ có trình độ cao đẳng. Năm 2015, tỷ lệ lao động giữ vai trò quản lý HTX có trình độ đại học, cao đẳng chỉ đạt 32,4%, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này được nâng lên 61,1%.

Một thực tế khó khăn là tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo có trình độ đại học chưa cao. Ông Lê Đình Đức thừa nhận, cán bộ quản lý kinh tế tập thể, đa số là cán bộ không chuyên trách, trình độ, năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển HTX kiểu mới. Thiếu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của các HTX. Việc tiếp cận từ các tổ chức tín dụng đa phần là phải thế chấp tài sản trong khi HTX không có tài sản để mang ra thế chấp tín dụng. Do vậy, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước đối với HTX, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp phép, chính sách thuế so với quy định, đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ HTX về vay vốn, hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, thu hút cán bộ trình độ đại học, cao đẳng… 

Đại diện huyện Bình Chánh đề nghị Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT sớm hướng dẫn thủ tục hỗ trợ xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp của HTX. Liên minh HTX thành phố tiếp tục hỗ trợ các HTX đào tạo nhân sự, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý kinh tế, tài chính kế toán, nghiên cứu thị trường, quản lý dự án. Đặc biệt chú trọng đến đối tượng học viên là nhân viên được quy hoạch của HTX.

Sở NN-PTNT sớm triển khai phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu HTX để thuận lợi trong công tác quản lý, điều tra HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, Sở NN-PTNT đang phối hợp với Liên minh HTX thành phố triển khai kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX với mức hỗ trợ 4,42 triệu đồng/tháng/cán bộ HTX.

Ngoài ra, sở đã tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, với mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/HTX thành lập mới. Cùng với đó, sở đã xây dựng website, xây dựng logo, thiết kế bao bì, các ấn phẩm quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu HTX, phiên chợ nông sản. Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Sở NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất UBND TPHCM phê duyệt Đề án Phát triển HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả giai đoạn 2021-2025.

Có thể thấy, kinh tế tập thể là một loại hình kinh tế phổ biến ở các nước phát triển và đang phát triển, hầu hết nông dân tham gia, phù hợp với tính quy luật của quá trình phát triển là “nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, mục tiêu phát triển kinh tế bao trùm chia sẻ, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, nghiên cứu các nhu cầu của các HTX thành viên và chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức cho các HTX đi tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý, mô hình trong và ngoài nước, có thêm thị trường và tăng giá trị xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục