Tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM (trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM), hơn 105 người khuyết tật đang theo học các nghề may, điện, tranh ghép gỗ, kim hoàn, hoa đất, massage, tin học, vẽ, móc len, thêu… 70% học viên sau khi ra trường đã tìm được việc làm ổn định tại các công ty, xí nghiệp.
Trong lớp học kim hoàn, gần 20 học viên là người khuyết tật đang tỉ mẩn làm khuôn để tạo những chiếc hoa tai. Em Hoàng Văn Thánh (sinh năm 1990, quê Đồng Nai) bị liệt 2 chân do căn bệnh đau khớp gối năm 13 tuổi, cho biết mình vào học tại trung tâm được 6 tháng. Thánh đã học xong lớp điện gia dụng nhưng không tự tin đi làm nên xin học thêm lớp kim hoàn và cảm thấy rất yêu thích nghề này. “Trước đây em cứ nghĩ mình chỉ có thể ở nhà để cha mẹ nuôi, nhưng sau khi đến trung tâm, được học nghề, em thấy tự tin về bản thân rất nhiều. Em tính học xong sẽ xin đi làm để lo cho tương lai”, Văn Thánh tâm sự. Riêng em Huỳnh Thị Mến, bị liệt 2 chân và 2 tay rất yếu nhưng là một trong những học viên vẽ đẹp và làm hoa đất rất khéo. Mến bảo sẽ cố gắng học cho thạo nghề rồi mở một cửa hàng vừa vẽ tranh, vừa làm hoa đất để bán.
Theo bà Đinh Thị Hỏi, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP, bên cạnh việc dạy nghề là phải giải quyết được việc làm để giúp họ có thể tự nuôi sống bản thân. Khâu tư vấn, định hướng nghề nghiệp rất quan trọng. Đa phần các nghề được dạy tại trung tâm đều là nghề thị trường lao động đang cần và đáp ứng được bệnh tật của học viên. “Hầu hết các em đều được học một nghề chính và một nghề phụ để hỗ trợ. Nếu trước đây các em tuyệt vọng vì tương lai mờ mịt thì nay, sau khi được học nghề, họ đã thay đổi cách suy nghĩ, nhìn nhận về cuộc sống. Dạy nghề cho người khuyết tật không chỉ giúp họ có cơ hội tự chủ mà còn giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống này”, bà Đinh Thị Hỏi chia sẻ.
Tại trung tâm, học viên được học nghề và ăn ở miễn phí. Không chỉ được dạy nghề, các em còn được dạy văn hóa và tham gia lớp học khởi sự doanh nghiệp để có thể tự mình định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Nơi đây, chúng tôi cũng đã gặp những học viên sức khỏe rất yếu nhưng bằng nỗ lực, quyết tâm của bản thân cũng đã cố gắng học được một nghề. Tuy nhiên, với những học viên sức khỏe quá yếu, không đủ sức đi làm tại các doanh nghiệp, trung tâm đã có kế hoạch xây dựng trung tâm thực hành để nhận các em vào làm việc.
Có nhiều người khuyết tật trước đây chỉ biết ở nhà, sống trong suy nghĩ tự ti, mặc cảm về bản thân. Các bậc phụ huynh cũng nghĩ rằng con mình bệnh tật không thể làm được việc gì. Thế nhưng, với những học viên khuyết tật, sau khi đến trung tâm, được học nghề, được đi làm, họ đã tự tin tiến bước ra xã hội và xóa bỏ mặc cảm về bản thân.
THÁI PHƯƠNG