Dạy sử cho công nhân

Những bài học 5 phút
Dạy sử cho công nhân

“Hiểu được những hy sinh, mất mát tột cùng, biết được nghị lực, ý chí vượt lên khó khăn trong chiến tranh của người phụ nữ Việt Nam, mong là mỗi chị em ở đây sẽ tiếp tục truyền thống đó, khắc phục khó khăn trong cuộc sống để vững vàng trên một mặt trận mới: mặt trận lao động sản xuất”. Bình thường, ai mà nói một câu nghe có vẻ sách vở như vậy, mà lại nói vào lúc giữa trưa nắng chang chang trong giờ nghỉ giữa ca như vầy, chắc chị em công nhân chẳng mấy ai muốn nghe. Nhưng mà lần này thì khác…

Công nhân Công ty Hoshino nghe thuyết minh về các hình ảnh lịch sử trong giờ nghỉ giữa ca. Ảnh: Mai Hương

Công nhân Công ty Hoshino nghe thuyết minh về các hình ảnh lịch sử trong giờ nghỉ giữa ca. Ảnh: Mai Hương

Những bài học 5 phút

Chuông reo báo giờ nghỉ giữa ca. Giờ ăn trưa đã đến. Như thường lệ, tốp công nhân (CN) Công ty Hoshino, KCN Vĩnh Lộc lục tục kéo ra nhà ăn. Nhưng hôm nay có một sự kiện lạ. Chờ đón họ là một bạn trẻ mặc đồng phục Đoàn thanh niên. Đó là thuyết minh viên Hồ Minh Thiện của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM. Thiện mời nhóm CN bộ phận sản xuất theo chân mình ra khu vực trước cổng công ty để xem triển lãm. Cả nhóm còn đang ngần ngừ vì giờ nghỉ giải lao giữa ca của công ty khá ngắn thì Thiện quả quyết: “Mình chỉ xin của các bạn chừng 5-10 phút thôi”.

Con đường nhỏ, kéo dài từ cổng công ty đến khu vực sản xuất không dài lắm. Hồi sáng khi vào ca, mọi sự vẫn bình thường. Mới có mấy tiếng đồng hồ mà bây giờ bức tường chắn dọc con đường đã phủ kín pano, tranh ảnh, tư liệu. Hai thuyết minh viên, quần áo chỉnh tề, lịch sự mời từng tốp CN ra nghe thuyết minh về chuyên đề “Phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh”.

Những tấm hình trắng đen như biết kể chuyện: Một bà mẹ ráng sức đưa các con vượt sông để tránh bom của máy bay Mỹ tại Quy Nhơn năm 1965; gương mặt thất thần của người phụ nữ trước căn nhà bị cháy sạch ở Chợ Lớn năm 1968; ánh mắt van lơn, vòng tay cầu khẩn của bà cụ khi lính Mỹ thuộc sư đoàn kỵ binh số 1 chuẩn bị đốt nhà bà; những cô gái bị bắt trong cuộc hành quân của lính Mỹ; những người vợ bị dẫn đến nơi chồng bị bắn để khủng bố tinh thần; vợ mất chồng, con mất cha…

“Và rồi, bất chấp những bất hạnh, mất mát và hy sinh, người phụ nữ Việt Nam vẫn cùng đất nước đi suốt chặng đường khó nhọc: Họ đánh giặc giỏi, nuôi con giỏi, thi đua sản xuất giỏi”. Lời kể của thuyết minh viên nghe ngắn gọn mà đi vào lòng người. Giữ đúng lời hứa, tour tham quan kết thúc sau chừng 5 phút. Trở vô xưởng, nhiều bạn CN mắt hoe đỏ. Phan Thị Thu Diễm, CN bộ phận sản xuất, giọng nghèn nghẹn: “Có những buổi như thế này, chắc chắn là tụi em sẽ không bao giờ quên quá khứ. Phụ nữ ngày xưa giỏi quá, cao cả quá. Càng nghĩ càng thấy những khó khăn hiện tại của mình vẫn chưa phải là tất cả, vẫn còn có thể nỗ lực vượt qua”.

Bảo tàng di động

Chương trình diễn ra tại Công ty Hoshino nằm trong chương trình “Bảo tàng lưu động miễn phí tại doanh nghiệp” do Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) phối hợp với Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức, nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho CN. Đối tượng phục vụ của chương trình là CN, phần đông đến từ các tỉnh, từ ngày lên TP làm việc chưa có cơ hội được vào trung tâm TP, đi tham quan bảo tàng.

Từ khi chương trình khởi động đến nay, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP đã đến với CN KCX Linh Trung, KCN Tân Tạo, KCN Việt Nam - Singapore. Tùy theo điều kiện mặt bằng của doanh nghiệp, số lượng CN, yêu cầu của doanh nghiệp mà bảo tàng sẽ lựa chọn giới thiệu những chuyên đề khác nhau như: Tình yêu trong chiến tranh, phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh, trẻ em Việt Nam trong chiến tranh, ký ức chiến tranh, chất độc da cam/dioxin…

Tại mỗi công ty, tranh ảnh triển lãm được lưu lại trong 3 ngày. Anh Hồ Minh Thiện, thuyết minh viên theo sát chương trình từ ngày đầu, chia sẻ: “Đi xa cũng vất vả thiệt nhưng vui nhất là khi có nhiều CN rất thích chương trình này. Vì điều kiện, thời gian làm việc của CN khá sít sao nên mỗi đợt thuyết minh, chúng tôi chỉ cố gắng gói gọn trong thời gian ngắn nhất. Thế nhưng, có CN đã nghe rồi vẫn nán lại nghe thêm lần nữa. Có bạn nghe hết chuyên đề này lại tiếp tục theo hướng dẫn viên để nghe tiếp chuyên đề khác”. Điều đó chứng tỏ CN yêu thích thật sự chương trình này chứ không phải “bị” đi xem triển lãm theo lệnh sếp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Shoji Fuji Waru, Tổng giám đốc Công ty Hoshino, cho biết: “CN của tôi là người Việt Nam và họ cần hiểu nhiều hơn về lịch sử Việt Nam. Nội dung chuyên đề triển lãm chuyển tải nhiều đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, CN của chúng tôi phần nhiều là CN nữ nên tôi hy vọng các bạn sẽ học hỏi để tiếp tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Chị Dương Thị Lan, Phó trưởng Phòng Trưng bày tuyên truyền đối ngoại, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP, cho biết sau thời gian triển khai chương trình, phản hồi nhận được từ phía chủ DN là khá tốt. Có DN đã gửi thư cảm ơn và đề nghị bảo tàng tiếp tục tổ chức những chương trình ý nghĩa như vậy.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục