ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: “Tòa có trách nhiệm đảm bảo bản án được thực thi”

Bên lề phiên họp của QH về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS), phóng viên báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vấn đề này.

- Thông tin từ Cục THADS TPHCM cho biết, trên địa bàn TP vẫn có những vụ việc kéo dài nhiều năm chưa THA được, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Trong đó, những vụ việc tồn đọng 3 năm trở lên trên địa bàn TP còn tới 2.200 vụ. Ông có bình luận gì?

- ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Tiến độ THADS tại TPHCM chậm có một nguyên nhân khách quan là số vụ việc phải thi hành tại TPHCM rất lớn, cao nhất nước, cho nên có sự quá tải. Tuy nhiên, Luật THADS hiện hành cũng đang có những bất cập, như những ý kiến các ĐBQH đã nêu tại hội trường. Tôi cho rằng tới đây Luật THADS phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của ngành THA, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người được THA. Khi đã ra đến Tòa có những vụ việc đến 5-7 năm mới có được phán quyết của Tòa án tối cao, vậy mà cầm được bản án có hiệu lực trong tay rồi lại thêm 5-7 năm, thậm chí 10 năm nữa người ta cũng không được THA. Đây chính là một trong những lý do khiến người ta đi tìm những lực lượng khác như công ty đòi nợ thuê, xã hội đen... – những cách ngoài pháp luật, thậm chí trái pháp luật - để được THA. Ngoài ra, việc tổ chức THA cũng hết sức quan trọng. Tòa án ban hành bản án ra thì phải có trách nhiệm cho đến khi bản án được thi hành xong, chứ công lý không phải chỉ được phán quyết xong là chấm dứt.

- Vừa rồi có ý kiến ĐBQH nêu tình trạng án tuyên không rõ ràng, nên không thi hành được; theo ông, phải xử lý thế nào?

- Đúng là cũng có một nguyên nhân nữa là những bản án tuyên không chuẩn xác, không hợp lý, khiến việc THA khó khăn. Ở đây cũng phải nói đến trách nhiệm của Tòa án đối với phán quyết của chính mình. Bản thân bản án phải có tính khả thi ở một mức độ cao, đòi hỏi các thẩm phán phải điều tra xác minh khi ra bản án; phải yêu cầu bên nguyên, bên bị, luật sư cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ cần thiết để đảm bảo bản án đúng đắn và khả thi.

- Nguyên nhân của sự bất cập này là do thiếu quy định của pháp luật hay trình độ của thẩm phán?

- Có một phần do pháp luật dân sự bất cập, vì thế mà đợt này chúng ta cũng sửa đổi Bộ Luật Dân sự. Nhưng cũng có những bản án không thấu đáo. Ví dụ một căn nhà chỉ có một cửa, Tòa tuyên phần trên căn nhà thuộc ông A; phần dưới thuộc ông B; nhưng ông A đi bằng cửa nào thì lại không đề cập! Những câu chuyện như vậy phải tính toán, xử lý ngay từ khi tuyên án. Hoặc cho rằng đất thuộc về ông X nhưng khi ông X đi đăng ký quyền sử dụng đất lại gặp phải vô vàn khó khăn. Lẽ ra ngay trong bản án đó phải nghiên cứu, đưa ra yêu cầu một số cơ quan có trách nhiệm phải hợp tác thi hành. Bộ Luật Tố tụng dân sự tới đây cũng phải nghiên cứu quy định theo hướng nâng cao trách nhiệm của Chánh án Toà án các cấp; quy định cụ thể rằng án tuyên phải hàm chứa những điều kiện khả thi đến mức tối đa.

- Cảm ơn ông!

ANH PHƯƠNG thực hiện

Tin cùng chuyên mục