ĐBSCL: Doanh nghiệp chưa mua - lúa ứ đọng?

ĐBSCL: Doanh nghiệp chưa mua - lúa ứ đọng?

Tình hình lúa gạo ĐBSCL “đóng băng” bắt đầu từ giữa tháng 7 và đến cuối tháng 7-2008 càng “lạnh” hơn. Nguyên nhân chính, lúa hè – thu thu hoạch ngày càng đông ken; doanh nghiệp chỉ dùng lượng gạo tồn trữ trước đây xuất khẩu theo hợp đồng đã ký. Thương lái “kỳ kèo” hạ giá mua, nông dân thấp thỏm, lo âu trữ lúa chờ giá. Nhiều người tiếc nuối, phải chi Việt Nam mạnh tay xuất khẩu gạo trong tháng 5 và 6 vừa qua hẳn nông dân sẽ được lợi nhiều hơn!

Cả nông dân và doanh nghiệp đều “thúc thủ”

“Lúa gạo à? Mua gì nổi mà mua. Hồi giá gạo xuất khẩu cao (ngưỡng 1.000 USD/tấn) thì chúng ta lại ngưng ký hợp đồng. Giờ giá gạo xuất khẩu thấp (khoảng 600 USD/tấn), lúa gạo hàng hóa nhiều không ai mua. Hiện chúng tôi chỉ dùng nguồn gạo dự trữ xuất khẩu theo chỉ tiêu được giao” – giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tiếng ở Cần Thơ cho biết vào chiều 30-7.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thúc thủ. Họ không thể “phiêu lưu” vay ngân hàng với lãi suất 19%-21%/năm để mua gạo dự trữ chờ xuất khẩu.

ĐBSCL: Doanh nghiệp chưa mua - lúa ứ đọng? ảnh 1

Lúa hàng hóa đang ứ đọng.

Đến Cái Răng - khu vực xay xát, bán buôn lúa, gạo sôi động nhất của Cần Thơ hàng ngày – nay bỗng im lìm! Anh Trần Khánh Lớn, một thương lái cũng là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, cho biết: “Thị trường lúa gạo đang kẹt cứng. Nguyên nhân do các doanh nghiệp chỉ huy động nguồn gạo mua dự trữ trước đây để xuất khẩu.

Giá gạo nguyên liệu bán buôn trên thị trường chỉ còn 6.100 đồng/kg giảm 50-100 đồng/kg. Cánh thương lái chỉ dám mua lúa với giá 4.200 đồng/kg. Trong khi nông dân cho rằng, giá phân bón, xăng dầu, nhân công… đều tăng mạnh, lúa phải ở mức 4.600 đồng/kg mới bán. Nhiều người trong cánh thương lái đã chuyển sang nghề khác”.

Vắng bóng thương lái, nông dân trong vùng cố trữ lúa trong… lo lắng! Đi vào vùng sâu tỉnh Hậu Giang, giá lúa càng bi đát hơn! Giá lúa bán tại chân ruộng chỉ còn 3.600-3.700 đồng/kg.

“Mấy hôm trước chưa cắt, lúa còn 4.000 đồng/kg cũng thấy đỡ đỡ… Giờ kẹt lắm, tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu đều bị đại lý thúc lại thêm tiền tập, sách, áo quần cho mấy đứa nhỏ chuẩn bị nhập học… phải bấm bụng bán giá 3.600 đồng/kg” – nông dân Trần Văn Bảnh (Ba Bảnh), ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp nói như mếu.

Hẳn không riêng gì Ba Bảnh, mà hàng triệu nông dân ở ĐBSCL đang rơi vào cảnh lo lắng thấp thỏm. Ước tính có khoảng 800.000ha lúa hè – thu đã được thu hoạch (tương đương 4 triệu tấn lúa hàng hóa), chuyện đầu ra đang ứ đọng là đáng lo! Vụ đông – xuân rồi, lúa trúng mùa, trúng giá đậm (có lúc lúa bán 5.500 đồng/kg), nông dân phấn khởi làm “liên hoàn”: lúa xuân – hè, rồi hè – thu và đến thu – đông…

Thậm chí nhiều vùng như Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Hậu Giang… dân ban bỏ liếp mía, ao nuôi tôm – cá, chặt bỏ tràm… để làm lúa! Theo tính toán của Viện Lúa ĐBSCL, giá thành sản xuất lúa hè – thu năm 2008 có thể đạt 3.000 – 3.500 đồng/kg. Riêng với những hộ ban liếp mía, chặt tràm, phá vuông tôm… sẽ đội lên trên 4.000 đồng/kg! Phấn khích sản xuất rồi giờ đây… “bí lối ra”!

Cần xem xét lại kênh phân phối lúa - gạo

Câu chuyện lúa – gạo hàng hóa bị “ứ đọng” khi vào vụ thu hoạch đông ken ở ĐBSCL đã xuất hiện và kéo dài hơn 10 năm qua đang lặp lại. Nhiều năm trước, người ta đề xuất cả chuyện cho dân gởi lúa vào kho để dự trữ chờ giá cao mới bán! Nhưng trong 2 năm trở lại đây, chuyện này thành “lỗi thời” vì nhu cầu gạo trên thế giới tăng đột biến! 6 tháng đầu năm 2008 là cao điểm “sốt gạo” nhưng giờ nông dân ĐBSCL lại than bán lúa hàng hóa không được!? Ở thời điểm Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu gạo, Thái Lan đã trúng đậm nhiều gói thầu với giá xuất trên 1.000 USD/tấn. Khi ấy, nông dân ĐBSCL phấn chấn làm lúa.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng: Cần xem xét lại vai trò của các cơ quan tham mưu... Ở thời điểm tháng 3-2008, khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) đề nghị các đơn vị không ký hợp đồng xuất khẩu có thời hạn giao hàng trong tháng 3-2008 do khối lượng xuất khẩu đã được cân đối ở mức 700 – 800 ngàn tấn, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng rất “giận dữ” xung quanh đề nghị này (Báo SGGP khi đó đã có bài phản ánh).

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, phân tích: “Nhìn tổng quan năm 2008, Việt Nam đã dự báo đạt sản lượng khoảng 37 triệu tấn lương thực, tương đương 23-24 triệu tấn gạo. Trong đó, thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 18 triệu tấn, còn dư khoảng 5 triệu tấn. Chuyện bảo đảm an ninh lương thực là cần thiết. Nhưng chúng ta đã dự báo trước dư khoảng 5 triệu tấn… Chúng ta “quá thủ” nên đánh mất cơ hội xuất khẩu ở thời điểm vàng”.

Theo ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, với giá lúa như hiện nay thì cuộc sống nông dân rất khó khăn. Đề nghị Chính phủ có biện pháp, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp tiêu thụ nhanh lúa hàng hóa trong dân với giá cả hợp lý hơn. 

Nông dân Nguyễn Văn Triệu, ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Giá lúa đang giảm rất mạnh, hiện chỉ còn 90.000 đồng/giạ (20kg lúa khô, loại tốt), tương đương 4.500 đồng/kg, giảm 500-700 đồng/kg so với 10 ngày trước. Với giá này nông dân chỉ còn lời từ 500.000-600.000 đồng/công (1.000m2), không đủ chi tiêu cuộc sống trong thời buổi vật giá liên tục leo thang như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Nhâm - Phó ban nhân dân ấp Đông Lợi, cho biết: Trong ấp có gần 100ha đất canh tác lúa hè - thu đã thu hoạch xong nhưng giá lúa giảm, thương lái chỉ mua nhỏ giọt, thậm chí không mua, nông dân lo lắng trữ lại chờ giá nhích lên.

CAO PHONG – BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục