(SGGPO).- Ngày 1-2, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, thống kê mới nhất đến nay có trên 18.400 ha lúa tôm ở Cà Mau bị thiệt hại (chiếm trên 56% tổng diện tích gieo cấy của tỉnh).
Các huyện bị thiệt hại nhiều nhất là Thới Bình với 12.024 ha, U Minh có 5.343 ha… Đáng lo ngại là nhiều nơi diện tích lúa gieo cấy trên đất nuôi tôm bị chết 100% do hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm. Thêm vào đó, năm nay người dân gieo cấy muộn hơn so với lịch thời vụ, lượng mưa ít nên việc rửa mặn không đảm bảo. Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng, do nuôi tôm nhiều năm, độ mặn đã ngấm sâu vào đất nên việc rửa mặn ngày càng trở nên khó khăn, dẫn đến việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm rủi ro cao.
Diện tích lúa trên đất nuôi tôm của người dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Màu chết do nhiễm mặn
Tại Kiên Giang, diện tích lúa ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận… bị thiệt hại cũng tăng liên tục. Đến thời điểm này đã có hơn 36.239 ha lúa mùa và lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh và bị thiệt hại do xâm nhập mặn; trong số này có hơn 17.442 ha lúa mùa bị thiệt hại trắng 100% do hạn mặn, chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, độ mặn 2/1000 đã về đến cống Xuân Hòa cách cửa biển khoảng 45km và sớm hơn 2 tháng so với cùng kỳ. Hiện mực nước nội đồng ở nhiều tuyến kênh thuộc khu vực ngọt hóa Gò Công đang cạn dần và ngành thủy lợi cùng chính quyền phải tổ chức 200 điểm bơm chuyền để tưới cho 7.000 ha lúa đông xuân ở vùng này, nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Tại Bến Tre, xâm nhập mặn cũng gây khó khăn cho hơn 1.300ha lúa đông xuân ở 2 huyện Ba Tri và Bình Đại; nguy cơ sẽ bị giảm mạnh về năng suất…
Trước tình hình hạn hán và xâm mặn gây hại cho lúa ở ĐBSCL, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tập trung cao độ chống hạn mặn, nhất là từ tháng 2-2016 trở đi diễn biến hạn mặn sẽ phức tạp hơn; do đó chính quyền và ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền để người dân bảo vệ sản xuất, giảm thiệt hại.
NGỌC CHÁNH – NGUYỄN THANH