Cụ thể, những ngày qua dù các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang tổ chức các điểm bán thịt heo sạch ở chợ, vận động các khu công nghiệp, lực lượng công an, bộ đội, các xí nghiệp có đông công nhân… tăng cường tiêu thụ thịt heo giúp người nuôi; thế nhưng số lượng heo bán ra vẫn không nhiều. Hiện đàn heo của tỉnh còn khoảng hơn 500.000 con, trong đó số lượng heo còn tồn (trên 100 kg/con) lên đến hàng chục ngàn con. Do tiêu thụ chậm nên giá heo hơi cũng không cải thiện, hiện chỉ dao động khoảng 25.000 đồng/kg, khiến người nuôi chịu lỗ từ 3.000- 6.000 đồng/kg trở lên.
Tại Vĩnh Long, tình hình cũng tương tự. Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, dù đã họp với Sở Công thương và các huyện để bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ thịt heo, nhưng chuyển biến không nhiều. Hiện đàn heo của Vĩnh Long khoảng 350.000 con, trong đó có khoảng 40.000- 50.000 con heo tồn đang cần tiêu thụ giúp người nuôi. Phía UBND tỉnh Vĩnh Long đã yêu cầu các ngành chức năng mở thêm những điểm bán thịt heo sạch, tăng cường đưa thịt heo vào các xí nghiệp, nhà máy, đơn vị… có đông công nhân, người lao động để tiêu thụ; đồng thời liên kết với các nơi để giải phóng nhanh số lượng heo còn tồn; thế nhưng đầu ra còn khá chậm và giá cả dao động ở mức thấp chỉ 24.000- 25.000 đồng/kg, nên người nuôi lỗ nặng.
Theo các tỉnh ĐBSCL, để giải quyết nhanh lượng heo tồn thì phần lớn trông đợi vào thị trường TPHCM, bởi tiêu thụ tại chỗ khó tăng cao được.
Về lâu dài, Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL đang cơ cấu lại ngành nuôi heo theo hướng liên kết sản xuất giữa người nuôi với doanh nghiệp thức ăn, thuốc thú y và doanh nghiệp tiêu thụ. Áp dụng khoa học công nghệ để nuôi heo an toàn, giảm chi phí giá thành… Đồng thời không tăng đàn trong điều kiện bấp bênh về giá cả và tiêu thụ khó khăn.