ĐBSCL: Hơn 30.700 ha lúa bị nhiễm bệnh muỗi hành

Hiện có khoảng 30.790 ha lúa ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng… bị nhiễm muỗi hành, tăng 1.263 ha so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiễm nặng là 18.566 ha. Ngoài ra, ở ĐBSCL còn có hơn 2.550 ha lúa bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá...

Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, những ngày qua tình hình dịch bệnh phát sinh gây hại cho lúa diễn biến khá phức tạp.

Tính đến nay đã có khoảng 30.790 ha lúa Đông Xuân muộn và lúa Hè Thu sớm ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng… bị nhiễm muỗi hành, tăng 1.263 ha so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiễm nặng là 18.566 ha. Ngoài ra, ở ĐBSCL còn có hơn 2.550 ha lúa bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá...

Nông dân vùng ĐBSCL cần thăm đồng thường xuyên nhằm đề phòng dịch bệnh gây hại cho lúa hè thu 2018
Theo dự báo, vụ lúa Hè Thu 2018 ở ĐBSCL (kế hoạch xuống giống hơn 1,65 triệu ha), bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá, muỗi hành… là những đối tượng phát sinh, diễn biến phức tạp gây hại cho lúa.
Thời tiết nắng nóng là những nguy cơ có thể dễ gây ra hiện tượng cháy rầy.
Nông dân cũng cần lưu ý từ tháng 3 đến tháng 5-2018 sẽ có những đợt rầy nâu di trú. Cụ thể, vào khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4; từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5; và cuối tháng 5 đến đầu tháng 6-2018.
Do đó, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, nông dân… cần theo dõi chặt diễn biến thời tiết, dịch bệnh để ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất dịch bệnh gây hại cho lúa.

Cục Bảo vệ Thực vật yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương, tăng cường hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, quản lý tốt nguồn rầy nâu tại chỗ, nhằm hạn chế thấp nhất khả năng lan truyền bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá do rầy nâu gây ra cho vụ lúa Hè Thu 2018.

Đối với bệnh đạo ôn lá có thể sẽ xuất hiện trên lúa Hè Thu sớm ở giai đoạn đẻ nhánh; trong khi bệnh muỗi hành vẫn tiếp tục xuất hiện trên các trà lúa Hè Thu sớm, nhất là các giống lúa Jasmin85, OM4900, Đài thơm 8, OM 7347, OM 6162, OM 6976, OM 5451...  

Tin cùng chuyên mục