ĐBSCL: Khẩn trương đối phó hạn, mặn

Mấy ngày qua, trên địa bàn huyện Phước Long (Bạc Liêu) xuất hiện mặn xâm nhập sâu với độ mặn đo được vào cuối tuần qua tại cầu Sắt Phước Long là 10/00, ngã tư Xã Thoàn (thuộc xã Phước Long) dao động 2,80/00, và ngã tư Phó Sinh (thuộc xã Phước Long) dao động 7,90/00. Qua kiểm tra độ mặn tại một số trục kênh dọc tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, lượng nước mặn xâm nhập sâu vào địa bàn huyện Phước Long chủ yếu từ hướng tỉnh Cà Mau theo tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp. Nguyên nhân là do hệ thống cống, đập phân ranh mặn - ngọt tỉnh này bỏ ngỏ, khi triều cường biển Đông dâng cao đã đẩy lượng nước mặn xâm nhập vào địa bàn huyện.

Không chỉ ở huyện Phước Long, vào tháng 8 vừa qua, nhiều vùng ngọt hóa tại ĐBSCL bất ngờ bị nước mặn tấn công, đẩy cuộc sống nhiều hộ dân nơi đây vào thế trở tay không kịp. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), khu vực giáp ranh huyện Ngã Năm (Sóc Trăng), do triều cường bất thường, nên nước mặn vào sâu. Tiến hành quan trắc, nhiều người bất ngờ khi ghi nhận độ mặn lên đến 40/00 - 50/00. Nhiều khu vực giáp ranh như Phụng Hiệp (Hậu Giang), Châu Thành và An Biên (Kiên Giang) cũng bị ảnh hưởng. Tại Cà Mau, ông Trinh Xuân Hưng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Cà Mau, cho biết: Độ mặn trên sông Gành Hào (TP Cà Mau) mọi năm thời điểm này dưới 50/00, nhưng hiện nay đã hơn 100/00.

Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ dự báo, lượng mưa ở khu vực Nam bộ năm nay thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20% - 40%. Mùa mưa ở khu vực Nam bộ có khả năng kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm (khoảng gần cuối tháng 10, đầu tháng 11-2015). Hiện mực nước từ thượng nguồn sông Mê Công tiếp tục xuống nhanh. Năm nay, đỉnh lũ trên sông Cửu Long thấp nhất trong vòng 70 năm qua. Hàng năm, đỉnh lũ ghi nhận tại đầu nguồn sông Tiền (Tân Châu, An Giang) có chỉ số trung bình là 4,22m thì năm nay, đỉnh lũ chỉ đạt 2,55m. Các chuyên gia nhận định đây là một hiện tượng bất thường trong sự biến đổi liên tục của lũ ở ĐBSCL.

Bên cạnh việc theo dõi diễn tiến hạn, mặn, chủ động các giải pháp phòng chống, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang gấp rút xuống giống dứt điểm lúa đông xuân trong tháng 12-2015 và bố trí lại cơ cấu mùa vụ đảm bảo phù hợp tình hình thời tiết và điều kiện sản xuất của địa phương. Tại Tiền Giang, ngành nông nghiệp chủ trương giảm dần diện tích lúa 3 vụ ở các vùng thiếu nước, ảnh hưởng lũ. Phần diện tích lúa còn lại duy trì xuống giống tập trung, né rầy. Riêng vùng ngọt hóa Gò Công có hơn 10.000ha lúa thu đông sẽ thu hoạch vào giữa tháng 12 tới nên tỉnh chỉ đạo không sản xuất lúa đông xuân để chuyển sang trồng màu. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phương án ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trước tháng 11 này nhằm chủ động đối phó. “Trước mắt phải chủ động kiểm tra, đóng các cống đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và phòng chống cháy, chữa cháy rừng; nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt, điều tiết điện phục vụ sản xuất, chủ động phòng, chống dịch bệnh”, ông Hải nói.

Tin cùng chuyên mục