ĐBSCL khẩn trương phòng chống bão số 9

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, các địa phương ven biển ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó, nhằm giảm tối đa thiệt hại
Người dân ven biển chằng néo nhà cửa phòng chống bão số 9. Ảnh: PHAN THANH
Người dân ven biển chằng néo nhà cửa phòng chống bão số 9. Ảnh: PHAN THANH

Chiều 24-11, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng tránh, ứng phó bão số 9.

Từ 13 giờ chiều nay 24-11, tỉnh đã cho phép học sinh nghỉ học, tạm ngưng hoạt động đối với các khu du lịch, khu vui chơi giải trí tập trung đông người, nhất là đối với các khu du lịch ven biển, ven sông, các cồn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tạm ngưng hoạt động đối với các bến phà, bến đò qua sông, đò du lịch kể từ 17 giờ chiều nay 24-11. 

Tỉnh Bến Tre cho học sinh - sinh viên nghỉ học tránh bão kể từ chiều 24-11

Hiện các địa phương đang triển khai công tác sơ tán, di dời dân ở các khu vực xung yếu có nguy cơ cao bị ảnh hưởng như: trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển cửa sông có nguy cơ bị sóng, gió lớn, khu vực ngập sâu có nguy cơ sạt lở, các cồn; người dân sống trong các nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn...

ĐBSCL khẩn trương phòng chống bão số 9 ảnh 2 Các trưởng học trên địa bàn tỉnh Bến Tre thông báo nghỉ học tránh bảo số 9

Thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN cho biết: Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai công tác sơ tán, di dời dân ở các khu vực xung yếu, có nguy cơ bị ảnh hưởng cao như: trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông, các cồn... Dự kiến, số lượng người cần di dời, sơ tán tại 3 huyện ven biển gồm: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú là khoảng 16.000 người (di dời tại chỗ 15.000 người, sơ tán 1.000 người). 

Cũng tại Bến Tre, do ảnh hưởng của bão nên từ sáng 24-11 đã xuất hiện mưa trên diện rộng, gió giật mạnh, thời tiết chuyển biến xấu.     

Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các huyện… dồn sức ứng phó; trong đó nghiêm cấm các tàu đánh cá ra khơi cho đến khi có thông báo mới.

ĐBSCL khẩn trương phòng chống bão số 9 ảnh 3 Một số phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân Bến Tre đã được bố trí vào nơi neo đậu an toàn

Tỉnh cũng lưu ý các huyện ven biển như: Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri cần đề cao cảnh giác, không chủ quan; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết diễn biến tình hình bão và sẵn sàng ứng phó; chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn tài sản và người dân trong trường hợp bão ảnh hưởng trực tiếp.Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Ngành giao thông và chính quyền địa phương phải  tăng cường kiểm tra chặt chẽ tàu thuyền hoạt động khu vực các cửa sông, bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch, phương tiện vận tải trên sông, các điểm du lịch ven biển, các cồn… Tuyệt đối không cho phương tiện xuất bến trong điều kiện không an toàn.

Cũng trong ngày 24-11, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh Bến Tre đã tổ chức 2 đoàn công tác để chuẩn bị phòng tránh, ứng phó bão số 9.

Tàu cá vào bờ tránh trú bão. Ảnh: PHAN THANH

Tại Trà Vinh, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn cấp phối hợp với các sở ban ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai tốt công tác ứng phó với cơn bão số 9.

Theo đó, lực lượng chức năng kiểm tra tàu thuyền, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu đang hoạt động trên biển, hướng dẫn các tàu thoát ra khu vực nguy hiểm và triệt để không để tàu thuyền tiếp tục ra khơi; Rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, công trình đê biển, kè biển, các công trình công cộng ven biển, sẵn sàng các phương án hộ đê, chuẩn bị tốt các phương án di dời, sơ tán dân, đặc biệt đối với các khu vực ven biển, ven sông lớn và cù lao…

Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, toàn tỉnh có 1.216tàu cá/4.864 ngư dân. Số tàu đang hoạt động trên biển là 109 tàu/463 ngư dân, còn lại neo đậu tại bến...

Tại Long An, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Do thời điểm bão đổ bộ ngay vào ngày cuối tuần nên UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành liên quan phải theo dõi, trực 24/24, cập nhật sớm nhất diễn biến bão để chủ động đề phòng”.

Theo công điện, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương hướng dẫn người dân tổ chức chằng chống nhà cửa vững chắc và chuẩn bị kế hoạch sơ tán, di dời dân tại những khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn, nhất là các huyện phía Nam gần cửa sông như Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành. Song song đó, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao và các cửa cống ngăn triều cường để có kế hoạch xử lý kịp thời sự cố tràn, vỡ đê…

Từ 13 giờ hôm nay 24-11, nhiều tình thành  ĐBSCL tạm ngưng các hoạt động du lịch sông nước. Ảnh: PHAN THANH

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, trưa và chiều nay 24-11, trên đất liền vùng ven biển tỉnh Tiền Giang có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8 và có nguy cơ giông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam bộ trong chiều nay. 

Để chủ động ứng phó với bão số 9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Bộ chỉ huy Biên phòng Tiền Giang, Chi cục Thủy sản, UBND huyện Gò Công Đông thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền đánh bắt ven bờ vào nơi trú ẩn an toàn.

Các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Thị xã Gò Công tổ chức ngay việc sơ tán, di dời dân ở nhà không an toàn vào nơi an toàn, nhà ngoài đê vào nhà an toàn phía trong đê. Công việc này hoàn thành trước 16 giờ ngày 24-11. Đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, bảo đảm an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân; tổ chức đội xung kích, thanh niên xung kích trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn; sơ cấp cứu túc trực tại các vùng dân cư, vùng có nguy cơ xảy ra rủi ro cao để sẵn sàng trợ giúp khi cần thiết...
Tại Cần Thơ, trước tình diễn biến phức tạp của bão số 9, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo chủ động ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, chủ tịch UBND các quận, huyện không được rời khỏi địa bàn vào 2 ngày cuối tuần.
Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão. Kiểm tra kỹ hệ thống lưới điện, đảm bảo an toàn, tránh sự cố về điện làm ảnh hưởng đến tính mạng con người; Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất (thông báo cho người dân tạm thời ngưng xuống giống lúa Đông Xuân 2018-2019 để tránh thiệt hại do mưa lớn do bão gây ra); Chủ động tiêu nước chống úng ngập bảo vệ sản xuất nông nghiệp; Thực hiện các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê kè đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố.

Tin cùng chuyên mục