ĐBSCL: Khẩn trương ứng phó với mặn xâm nhập

Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi các tỉnh ĐBSCL về tăng cường các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn gia tăng, do giảm lượng xả từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Mê Công.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, do ảnh hưởng của đợt triều cường rằm tháng Chạp âm lịch, kết hợp với gió chướng hoạt động mạnh, nên độ mặn tăng đột biến, xâm nhập sâu vào đất liền. Cụ thể, nước mặn xâm nhập đến khu vực TP Mỹ Tho với biên độ khoảng 2g/lít, vào huyện Châu Thành với biên độ mặn khoảng 1g/lít… 

Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL chịu nhiều thiệt hại trong mùa hạn mặn 2020
Theo nhận định, mực nước đầu nguồn ở sông Tiền thấp hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công về khu vực ĐBSCL cũng thấp hơn so trung bình nhiều năm từ 10%-15%; nên dự báo tình hình mặn ở Tiền Giang trong mùa khô 2021 ở mức xấp xỉ mùa khô 2016. Để chủ động ứng phó với hạn mặn năm nay, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện… thực hiện phương án ứng phó nhằm đảm bảo mục tiêu sản xuất của khoảng 128.250ha lúa, cây ăn trái và rau màu thuộc dự án Bảo Định; đồng thời đảm bảo nguồn nước ngọt cho 3 nhà máy nước Đồng Tâm, Bình Đức (Tiền Giang) và nhà máy Nhị Thành (Long An) để cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu người dân (Tiền Giang 800.000 người và Long An 300.000 người). Các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang nhanh chóng triển khai đắp 1 đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành và 7 đập thép trên các kênh, rạch thông qua Đường huyện 35 (gồm Ông Hổ, Cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười) đi qua địa bàn huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy. 


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng yêu cầu Sở NN-PTNT, cùng các ngành chức năng, các địa phương cập nhật thường xuyên diễn biến tình hình hạn mặn, thông tin kịp thời đến người dân biết nhằm chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Các đơn vị cần xây dựng kịch bản và phương án phòng chống hạn mặn phù hợp với tình hình thực tế, trên tinh thần chủ động ứng phó mọi tình huống. Cố gắng đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân trong suốt mùa khô 2021. 

Tại Sóc Trăng, theo báo cáo từ Phòng NN-PTNT huyện Long Phú, độ mặn ghi nhận tại các cửa sông, cống tiếp tục tăng vào các ngày này. Cụ thể, tại Bến phà Đại Ân là 7,7g/lít, cống Bà Xẫm 6,4g/lít, cống Cái Oanh 1g/lít… Hiện các cống trên đều phải đóng để tiến hành trữ nước ngọt. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Phú Lâm Văn Vũ đánh giá: “Tình hình xâm nhập mặn đang tăng mạnh. Đặc biệt, với điều kiện gió chướng đang hoạt động mạnh trong khu vực sẽ khiến xâm nhập mặn diễn ra nhanh hơn. Do đó, người dân tuyệt đối không chủ quan khi xuống giống lúa vụ 3”. Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, đơn vị vừa có thông báo khẩn về tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Thông báo chỉ rõ vào các ngày từ 8 đến 16-2 và 24 đến 28-2, mặn sẽ xâm nhập sâu nội đồng. Cụ thể, ranh mặn 4g/lít trên tuyến sông Hậu sẽ vào sâu 58 - 60km. Đây là đợt xâm nhập mặn sâu trên địa bàn tỉnh với độ mặn cao, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân.

Thông tin từ Ủy hội sông Mê Công quốc tế cho biết, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 5-1 đến ngày 24-1, với lưu lượng giảm khoảng gần 50% so với thời gian trước (lưu lượng xả còn khoảng 1.000m³/giây). Việc giảm lượng xả thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong đầu tháng 2-2021. Để đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn gia tăng, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL khẩn trương thực hiện việc đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước, vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô; đặc biệt lưu ý bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái.

Tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN-PTNT, trong tháng 2 có 2 thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn, từ ngày 8 đến 16-2 và từ ngày 24 đến 28-2. Ranh mặn 4g/lít có phạm vi ở sông Vàm Cỏ Đông từ 75 - 80km, Vàm Cỏ Tây từ 80 - 90km, sông Cái Lớn từ 50 - 55km (mức tương đương với cùng kỳ năm 2016); ở Cửa Tiểu từ 50 - 55km, Cửa Đại từ 48 - 53km, Hàm Luông từ 70 - 73km, Cổ Chiên từ 62 - 65km, Sông Hậu từ 58 - 60km (mức tương đương với xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016). 

Tin cùng chuyên mục