Ông Hoàng Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết năm 2010 có lượng mưa vào loại thấp nhất ở lưu vực sông Mekong. Do vậy, nước sông Mekong ở trạm Kratie (Campuchia) thấp, vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu ở An Giang, Đồng Tháp đều ở mức rất thấp. Nói cách khác, năm nay vùng ĐBSCL hầu như không có lũ như mọi năm. Điều này cho thấy việc sản xuất lúa vụ đông-xuân 2010 - 2011, kể cả vụ hè-thu sẽ vô cùng khó khăn.
Thiếu nước, xâm nhập mặn sớm và sâu hơn
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm nay lũ về vùng ĐBSCL không đáng kể, khoảng giữa tháng 10 tại Tân Châu mới đạt 3,1m, Châu Đốc 2,7m. Do nước đầu nguồn về ít nên mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) ảnh hưởng mạnh bởi thủy triều, biên độ triều đạt khoảng 1m, làm tiêu thoát lũ nhanh hơn. Lũ nhỏ ở ĐBSCL như hiện nay làm giảm lượng trữ nước trên lưu vực dẫn đến gia tăng xâm nhập mặn trong mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông-xuân 2010 – 2011 và đầu vụ hè-thu 2011.
Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, mưa sẽ kéo dài đến giữa tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 11, nhưng do lượng mưa thấp nên mực nước ở các sông không cao, vì vậy đỉnh lũ xuất hiện vào khoảng thời gian từ ngày 15 đến 20-10 sẽ thấp hơn mức báo động 1 và thấp hơn năm 2009 từ 50 – 70cm.
Với tình hình này, nước trên sông Tiền và sông Hậu rút nhanh làm tăng khả năng thiếu nước nội đồng trong mùa khô, tình trạng khô hạn có thể xảy ra trên diện rộng là điều khó tránh khỏi. Tình hình xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm vào cuối năm nay ở các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… rõ nét vào tháng 1, 2 năm 2011, nhưng quyết liệt nhất vào tháng 3, 4 năm sau.
Theo ông Hoàng Minh Giám, vấn đề quan trọng nhất hiện nay phải khẩn trương chủ động tích lũy nguồn nước ngọt ở khu vực này và có kế hoạch phòng chống xâm nhập mặn. Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết, nguyên tắc của phòng ngừa xâm nhập mặn đòi hỏi hệ thống thủy lợi phải đồng bộ và khép kín, nhưng điều này chưa có được ở các tỉnh ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, việc tập trung chống hạn được xem như nhiệm vụ trọng tâm vào trước, trong và sau mỗi vụ lúa. Các địa phương nhanh chóng lập ban chỉ đạo chống hạn để có kế hoạch trữ nước ngọt ngay từ bây giờ, sửa chữa bờ bao nhằm hạn chế thấp nhất tác động của hạn mặn.
Sâu bệnh có điều kiện phát triển
* Theo Cục Bảo vệ thực vật, rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện và tiếp tục gây cháy rầy cục bộ không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á, như tháng 2-2010 ở Thái Lan, Myanmar, Malaysia; tháng 8 ở Indonesia, tháng 10 tại Việt Nam (tỉnh Lâm Đồng). Hiện nay, rầy nâu có xu hướng tái bùng phát trên diện rộng toàn khu vực châu Á. Theo tiến sĩ Kenmore, phụ trách chương trình IPM của FAO, nhận định rầy nâu vẫn là nguy cơ đối với sản xuất lúa. |
Mùa nước nổi hàng năm ở ĐBSCL ngoài việc đem lại nguồn lợi thủy sản phong phú, còn mang về nhiều phù sa, nước lũ làm sạch đồng ruộng nhờ cuốn trôi sâu bệnh ra biển. Do vậy, không có lũ đồng nghĩa với việc ít phù sa, đồng ruộng kém màu mỡ, sử dụng phân bón nhiều hơn, sâu bệnh có điều kiện phát triển, buộc phải tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Không có lũ, chuột có điều kiện sinh sôi bùng phát trên diện rộng như trong quá khứ từng diễn ra phá hại lúa, hoa màu… Với những nguy cơ trên, chi phí sản xuất lúa của nông dân trong vụ tới sẽ tăng cao so mọi năm.
Tại ĐBSCL, lúa đông-xuân chiếm hơn 50% sản lượng lúa cả năm và được xem vụ lúa chính với năng suất bình quân cao nhất trong năm, khoảng 6,59 tấn/ha. Đặc biệt, vụ đông-xuân 2009 - 2010 năng suất bình quân ở An Giang lên đến 7,29 tấn/ha.
Các vụ lúa khác có năng suất thấp hơn như vụ hè-thu bình quân 4,89 tấn/ha, vụ thu-đông khoảng 4,6 tấn/ha và vụ mùa bình quân khoảng 3,9 tấn/ha (năm 2010). Vụ đông-xuân có vai trò rất quan trọng trong sản xuất, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Vì vậy, việc đảm bảo và gia tăng năng suất, ổn định sản lượng lúa đông-xuân có ý nghĩa rất quan trọng cho dự trữ lương thực và xuất khẩu.
Trong khi đó, thời vụ xuống giống vụ đông-xuân là một trong những yêu cầu cần được quan tâm, chú ý hạn chế sự lây lan, bùng phát dịch hại đồng thời đạt hiệu quả sản xuất tối ưu nhất có thể được. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết, việc chỉ đạo sản xuất vụ đông-xuân năm nay hơi ngược những năm trước. Làm sao có thể tránh hạn cuối vụ, từ đó tính ra lịch thời vụ phù hợp. Nơi nào không phù hợp phải chuyển qua cây trồng khác, không được phiêu lưu trong bối cảnh hiện nay.
Việc bố trí thời vụ sản xuất lúa đông-xuân cần thỏa mãn các yêu cầu: đảm bảo né rầy nâu di trú từ vụ thu-đông sang, đủ lượng nước sản xuất trong suốt vụ, tránh ngập úng đầu vụ và hạn, mặn cuối vụ. Ở giai đoạn lúa trổ chín (tháng 2, 3 và nửa đầu tháng 4) phải có đầy đủ lượng ánh sáng và số giờ nắng cần thiết và lượng mưa ít nhất mới đảm bảo năng suất.
Thời vụ gieo trồng lúa vụ đông-xuân ở ĐBSCL phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản, đó là quy luật con nước rút và gieo sạ tập trung để né rầy nhằm phòng ngừa 2 bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. 2 yếu tố này không phải lúc nào cũng trùng nhau. Năm nay mùa nước nổi hầu như không có, nước sẽ rút sớm, nhiều nơi có thể gieo sạ ngay từ cuối tháng 10.
Do vậy, nếu không tuân thủ lịch thời vụ, nhất là khi giá lúa đang ở mức rất cao gần 6.000 đồng/kg, không loại trừ bà con nông dân ở nhiều khu vực sẽ xé rào, gieo sạ sớm. Đây sẽ là cơ hội cho ổ dịch rầy nâu trên trà lúa mùa đang xuất hiện ở tỉnh Lâm Đồng, gặp gió mùa Đông-Bắc xuất hiện vào những tháng cuối năm, sẽ nương theo gió bay về vùng ĐBSCL. Lúc đó, trà lúa đông-xuân sớm này sẽ là mồi ngon của rầy nâu, trước khi lây lan sang lúa đông-xuân chính vụ. Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra.
Công Phiên
Đồng bằng sông Cửu Long – Mùa không nước nổi |