ĐBSCL: Mía đầu vụ lãi 20-30 triệu đồng/ha

Chiều 28-9, ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, hiện nay nông dân các xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Cây Dương, thị trấn Búng Tàu… đang bước vào thu hoạch mía đầu vụ.
ĐBSCL: Mía đầu vụ lãi 20-30 triệu đồng/ha

(SGGPO).- Chiều 28-9, ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, hiện nay nông dân các xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Cây Dương, thị trấn Búng Tàu… đang bước vào thu hoạch mía đầu vụ.

Năng suất mía năm nay đạt tương đối khá, bình quân từ 100 - 130 tấn/ha; đặc biệt mía đầu vụ được thương lái thu mua giá khá cao khoảng 950 – 1.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 200 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí nông dân thu hoạch mía đầu vụ có lãi từ 20- 30 triệu đồng/ha.

Ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ 200 tấn mía ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp hớn hở, trong 3 vụ mía gần đây giá rớt tệ hại khiến hàng loạt hộ ở ĐBSCL thua lỗ và phá bỏ cây mía để trồng cây khác. Chỉ tính riêng huyện Phụng Hiệp từ năm 2013 đến nay nông dân đã đốn bỏ hơn 1.750 ha mía. Hiện tại, giá mía tăng trở lại, nông dân có lời nên hy vọng vùng mía nguyên liệu sẽ ổn định diện tích trong thời gian tới.

Thương lái đưa mía về Nhà máy đường Vị Thanh tiêu thụ

Theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), do năm nay mực nước lũ thấp nên nông dân vùng mía sớm huyện Phụng Hiệp không còn lo cảnh đốn mía “chạy lũ” như những năm trước. Từ đó, bà con tập trung chăm sóc nên chữ đường trong mía tăng cao. Mặt khác, giá đường cát trên thị trường đang dao động từ 13.000- 14.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.500 đồng/kg; vì thế các nhà máy phải mua mía nguyên liệu cho dân khá hơn. Hiện tại, vùng ĐBSCL có 4 nhà máy đã vào vụ sớm, 5 nhà máy còn lại sẽ khởi động trong tháng 10 tới.

* Những ngày qua, tình hình buôn lậu đường cát qua biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp. Tại khu vực biên giới huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) mỗi ngày có khoảng 250-300 bao đường cát Thái Lan được các đối tượng đưa vào nội địa tiêu thụ. Bình quân mỗi bao đường nhập lậu, các đối tượng thu lời khoảng 70.000- 80.000 đồng, do đó ngành chức năng dù tăng cường phòng chống nhưng dân buôn lậu vẫn lén lút đưa đường qua biên giới.

Tại Cần Thơ, ngành chức năng vừa bắt giữ 3,1 tấn đường không rõ nguồn gốc tại một cơ sở kinh doanh đường ở quận Cái Răng. Trong khi đó, Phòng CSĐT về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh An Giang và Công an huyện An Phú cũng vừa bắt giữ một chiếc ghe từ Campuchia chuyển 899 bao đường cát tập kết vào kho của cơ sở Vĩnh Hưng, ở xã Khánh An, huyện An Phú. Ngoài ra, khi kiểm tra thêm 3 kho hàng ở xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú phát hiện 885 bao đường cát không rõ nguồn gốc. Tổng số lượng đường cát bị công an An Giang bắt giữ mới đây khoảng 100 tấn, không có chứng từ hóa đơn…

NGUYỄN THANH

Tin cùng chuyên mục