Chiều 30-3, ông Lê Văn Khoa, ngụ thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết: Do thời tiết thay đổi quá nhanh, ban ngày nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ cao, ban đêm lạnh và thỉnh thoảng có mưa, vì vậy tôm không thích ứng kịp. 5 công tôm càng xanh của gia đình nổi đầu rồi nhảy lên bờ chết khá nhiều, buộc phải thu hoạch sớm. Nhiều hộ nuôi tôm khác cũng đang lo lắng khi mùa hạn mặn đang vào cao điểm, thời tiết thay đổi nhanh dễ khiến tôm nuôi nhiễm bệnh.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận, đến nay nông dân trong huyện thả nuôi được 26.938 ha tôm, tăng 3.058 ha so cùng kỳ. Thời tiết đang gây khó khăn cho tôm nuôi, do đó ngành nông nghiệp cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt ở các cánh đồng tôm, phối hợp cùng nông dân theo dõi chặt diễn biến thời tiết nhằm đưa ra biện pháp phòng trị kịp thời.
Tại Trà Vinh, từ đầu năm 2019 đến nay nông dân trong tỉnh thả nuôi hơn 11.368 ha tôm sú và 2.110 ha tôm thẻ chân trắng ở các xã Đại An, Định An, Kim Sơn, Hàm Tân (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Do thời tiết nắng nóng, độ mặn cao, nên Phòng NN- PTNT huyện chỉ đạo các trạm chuyên môn theo dõi chặt thời tiết và hỗ trợ nông dân các giải pháp phòng ngừa bệnh, tránh bị thiệt hại.
Ông Huỳnh Văn An, ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) nhìn nhận: “Vùng này canh tác theo mô hình tôm – lúa. Mấy ngày qua khi thu hoạch lúa xong thì đang bắt đầu thả tôm, tuy nhiên thời tiết quá nóng và xuất hiện tôm chết rải rác khiến ai nấy đều lo âu. Hiện tại, cán bộ chuyên môn của huyện và xã đang thực hiện đo độ mặn mỗi ngày để thông báo kịp thời cho nông dân nuôi tôm biết, phòng tránh…”.
Bộ NN-PTNT lưu ý, trong năm 2018 vừa qua, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước bị thiệt hại tới 37.406 ha, gồm các bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân… Một trong những nguyên nhân là do môi trường, thời tiết thay đổi gây bất lợi cho tôm nuôi. Để vụ tôm nước lợ 2019 đạt sản lượng 780.000 tấn (trong đó tôm sú là 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 480.000 tấn), nhằm phục vụ các nhà máy chế biến xuất khẩu tôm đạt kim ngạch khoảng 4,1- 4,2 tỷ USD, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương và ngành chức năng, tăng cường quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, ứng phó với thời tiết bất lợi, kiểm soát chặt dịch bệnh trên tôm nuôi. Quản lý chặt nguồn tôm giống, vật tư đầu vào, các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo sản phẩm tôm nuôi an toàn…