*Xuất khẩu thủy sản hơn 1,47 tỷ USD
(SGGPO).- Sau thời gian dài rớt giá thì những ngày gần đây tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL liên tục tăng cao.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP online vào chiều 7-4, ông Võ Bằng Trúc, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết: “Hiện tại thương lái lùng sục mua tôm sú loại 20 con/kg với giá từ 300.000 đồng/kg trở lên, loại 30 con/kg giá 250.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg giá 110.000 đồng/kg, loại 80 con/kg giá 120.000 đồng/kg… tăng từ 25.000- 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ và cao nhất trong khoảng 2 năm qua. Dù giá tôm đang cao chót vót nhưng người dân trong xã không có tôm để bán, dù hiện giờ đang vào mùa tôm”.
Tôm tăng giá nhưng người nuôi ở ĐBSCL không có tôm để bán
Theo ông Trúc, nguyên nhân chủ yếu là do năm nay hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt, hiện độ mặn dù có giảm nhưng vẫn còn cao khoảng 20- 25‰, nên thả tôm lúc này sẽ bị chết. Chính vì thời tiết bất lợi nên kế hoạch thả nuôi 360ha tôm công nghiệp của xã, đến nay chỉ mới xuống giống khoảng 10%. Trong khi đó, nhiều nông dân ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… cũng ngậm ngùi nhìn giá tăng mà không có tôm để bán.
Ông Bùi Hoàng Anh, ngụ xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tiếc rẻ: “Ngày nào cũng có thương lái tìm tới hỏi mua tôm, nhưng người dân ở đây đâu có tôm mà bán. Mặc dù thời điểm này đã trễ lịch thời vụ hơn 2 tháng, thế nhưng hàng loạt ao tôm vẫn “nằm chờ” chưa dám nuôi, bởi thời tiết còn bất lợi”.
Nông dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chưa dám thả tôm, do thời tiết còn bất lợi
Theo UBND xã Ngọc Tố, thời gian qua đã có một số hộ thả giống sớm và kết quả là tôm bị chết tràn lan do nắng nóng, độ mặn cao. Hiện thời nước ngọt đã về nhiều trên sông Tiền, sông Hậu… tuy nhiên ở các vùng gần biển thì độ mặn còn cao khoảng 20‰, do đó phải tiếp tục theo dõi chứ chưa thả tôm ngay, nhằm tránh rủi ro. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL đang cử cán bộ theo dõi chặt thời tiết, độ mặn; nhất là những tác động từ thượng nguồn sông Mê Công xả đập thủy điện và nước đang về vùng ĐBSCL. Khi nào độ mặn giảm ở mức cho phép sẽ thông báo ngay cho người dân thả giống. Song, về cơ bản phải chờ mưa xuống thì việc thả tôm mới an tâm được.
Cùng với tôm, thì cá tra cũng nhảy vọt liên tục từ 18.000- 19.000 đồng/kg, lên mức 22.000- 23.000 đồng/kg, nhưng người nuôi ở ĐBSCL không còn cá bán.
Theo Bộ NN-PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2016 các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu được hơn 1,47 tỷ USD, tăng khoảng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện nhu cầu nhập khẩu tôm, cá tra… ở thị trường châu Á, châu Âu… có chiều hướng tăng; tuy nhiên các doanh nghiệp chưa thể đẩy mạnh việc xuất khẩu, bởi ảnh hưởng nguồn nguyên liệu thiếu hụt.
* Cũng do tác động của hạn, mặn đã khiến nhiều vườn măng cụt ở Vĩnh Long, Trà Vinh… bị mất mùa. Ông Đỗ Văn Tài, Giám đốc HTX Trái cây Tân Thành, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Giá măng cụt đầu vụ dao động khá cao từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng sản lượng hiện nay rất ít do nhiều vườn bị rụng bông, không đậu trái”.
Ở Sóc Trăng, Bến Tre… giá bưởi da xanh tăng lên mức 50.000- 55.000 đồng/kg; bưởi Năm Roi từ 30.000- 32.000 đồng/kg, dù vậy bưởi tới kỳ thu hoạch không còn nhiều; trong khi các nhà vườn phải hái bỏ bớt bưởi non nhằm giảm nhẹ cho thân cây và tránh nguy cơ chết cây, trong điều kiện bị nước mặn tấn công kéo dài…
HUỲNH LỢI