ĐBSCL nỗ lực khôi phục đàn heo

Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đang nỗ lực khôi phục đàn heo sau ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi vừa qua, nhưng với tình hình hiện nay, cung không đủ cầu, dẫn đến giá heo giống, heo hơi tăng khá cao.
Mô hình chăn nuôi heo gia công theo hướng an toàn sinh học đạt hiệu quả cao
Mô hình chăn nuôi heo gia công theo hướng an toàn sinh học đạt hiệu quả cao

Giá heo tăng nhưng không đủ bán

Theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ nông thôn trên địa bàn huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), giá thịt heo được bán tại chợ dao động 150.000 - 170.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm cùng kỳ năm rồi. Trong đó, thịt ba rọi có giá 150.000 đồng/kg; thịt nạc, thịt đùi là 170.000 đồng/kg; còn sườn bẹ, cốt lết dao động 160.000 - 170.000 đồng/kg. Tại chợ Đô thị ngã ba Phong Hòa (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) có hơn 5 tiểu thương bán thịt heo, nhưng gần 11 giờ trưa thì số thịt trên các sạp chỉ còn vài ký. Do cung không đủ cầu, giá thịt heo tại thị trường miền Nam ngày 22-5 đã tăng thêm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với ngày 21-5, dao động 97.000 - 100.000 đồng/kg. Theo giới thương lái, giá heo hơi sẽ vượt mức 100.000 đồng/kg trong những ngày tới và khó mua vì nguồn cung ngày càng cạn dần.

Anh Quốc Hùng (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Trại heo của tôi hiện trống, do đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua làm thiệt hại 20 con heo nái và 200 con heo thịt. Giờ giá heo tăng khá cao nhưng gia đình không có mà bán. Tôi dự tính tái đàn, nhưng còn đắn đo vì không biết dịch có tái nhiễm hay không, cùng với đó là giá heo giống hậu bị giờ quá cao, trên 150.000 đồng/kg nên chưa chắc tái đàn”. 

Hiện tại, heo giống dùng để nuôi thịt (thường gọi là heo cai sữa, heo xách tay) loại 28 ngày tuổi (6 - 7kg) là 2,7 triệu đồng/con; loại 60 ngày tuổi, trọng lượng khoảng 20kg/con giá 180.000 đồng/kg, tương đương 3,6 triệu đồng/con. Heo hậu bị (để nuôi heo nái đẻ con) giá khoảng 11,5 triệu đồng/con. Theo anh Hùng, ngành chức năng của tỉnh cũng có hỗ trợ cho người dân heo giống nhưng chỉ tiêu mỗi huyện chỉ khoảng 40 con heo giống, nếu chia đều cho mỗi xã thì không đủ. Bên cạnh đó, chuồng trại phải đạt tiêu chuẩn, nếu không thì cũng không được hỗ trợ.

Hiệu quả từ nuôi an toàn sinh học

Gia đình bà Lê Thị Phượng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hộ chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học của Công ty C.P), bắt đầu nuôi gia công theo hình thức an toàn sinh học của Công ty C.P đưa ra, đã được 5 năm. Bà Phượng cho biết, gia đình chỉ nuôi gia công còn khâu con giống, chuồng trại, thức ăn, đến thuốc men là của công ty. Hiện trong chuồng có trên 800 con heo, sau 3 tháng nuôi có lãi trên 50 triệu đồng. Bà chia sẻ, sau mỗi lứa như vậy, nếu nuôi vượt yêu cầu đã ký kết hợp đồng thì còn được thưởng thêm các khoản tiền khác. Như đợt dịch vừa rồi, dù xảy ra dịch tả heo châu Phi nhưng nuôi theo hướng an toàn sinh học nên đàn heo của bà không bị thiệt hại, mà còn có lãi. Tuy nhiên, lãi suất không phụ thuộc vào yếu tố thị trường.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, do dịch tả heo châu Phi nên lượng thịt cung ứng có sự thiếu hụt, vì vậy để không tái diễn dịch tả, các ngành liên quan cần tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học, đảm bảo số lượng thịt đủ cung ứng cho thị trường. Đây là giải pháp quan trọng nhất, cần tập trung quyết liệt. 

Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dự kiến tổng đàn heo sau khi tái đàn trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2020 đạt trên 22.000 con. Tuy nhiên, tỉnh khuyến khích các trang trại, hộ dân thực hiện tái đàn heo thận trọng, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bùng phát, đặc biệt chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Ngành chức năng của tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ người dân tái đàn heo theo định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống nhưng không vượt quá 3,2 triệu đồng/con. Số lượng hỗ trợ cho một hộ chăn nuôi từ 5 - 40 con. Tuy nhiên, khuyến cáo của ngành chức năng là trước khi tái đàn cần vệ sinh chuồng trại, khử trùng, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Không thực hiện tái đàn tại những hộ chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, nội ô, nội thị. 

Còn tại Đồng Tháp, tỉnh có tổng đàn heo lớn thứ 2 ở ĐBSCL, chỉ sau tỉnh Tiền Giang, đang từng bước phục hồi tỷ trọng của ngành chăn nuôi heo, phấn đấu giá trị sản xuất năm 2020 đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2019. Theo đó, kế hoạch tái đàn của tỉnh gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo giai đoạn 2020-2025, có ít nhất 30% số hộ chăn nuôi lớn (tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt) đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Tin cùng chuyên mục