ĐBSCL: Nỗi lo trước vụ đông xuân

Bước sang tháng 12-2013, nước lũ ở ĐBSCL đang rút dần. Nông dân trong vùng hối hả bơm rút nước để xuống giống lúa đông xuân. Sau 3 vụ lúa/năm gặp nhiều trắc trở về giá cả, sản xuất bất lợi do hạn mặn, mưa bão gây ảnh hưởng liên tiếp, nông dân đang hy vọng khởi động lại vụ lúa đông xuân 2013 -  2014 trúng mùa, trúng giá.
ĐBSCL: Nỗi lo trước vụ đông xuân

Bước sang tháng 12-2013, nước lũ ở ĐBSCL đang rút dần. Nông dân trong vùng hối hả bơm rút nước để xuống giống lúa đông xuân. Sau 3 vụ lúa/năm gặp nhiều trắc trở về giá cả, sản xuất bất lợi do hạn mặn, mưa bão gây ảnh hưởng liên tiếp, nông dân đang hy vọng khởi động lại vụ lúa đông xuân 2013 -  2014 trúng mùa, trúng giá.

Thu hoạch xong lúa, nông dân ĐBSCL tranh thủ xuống giống đông xuân 2013 - 2014.

Thu hoạch xong lúa, nông dân ĐBSCL tranh thủ xuống giống đông xuân 2013 - 2014.

Lo phân dỏm

“Lúa xuống giống đã hơn 10 ngày, màu xanh đã phủ lên đất lúa. Mấy ngày qua, thấy lúa tăng giá trở lại, nông dân chúng tôi rất mừng, dù nhiều gia đình chẳng còn lúa để bán trong mùa giáp hạt”, lão nông Tư Tới ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang) tâm sự. Giá lúa gạo ở ĐBSCL đã tăng mạnh trong 10 ngày qua sau khi Việt Nam ký được hợp đồng bán 500.000 tấn gạo cho Philippines. Theo đó, lúa thường có giá từ 5.600 - 5.900 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg, kéo theo giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tăng bình quân 150 đồng/kg. Theo Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long, trong nội đồng vùng Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên rút chậm hơn mọi năm nên có khả năng xuống giống lúa vụ đông xuân trễ so với lịch thời vụ.

Nhiều nông dân muốn xuống giống sớm, phải tốn nhiều chi phí bơm rút nước nhưng hy vọng bán được giá cao. Hiện tại, nhiều nơi ở ĐBSCL đã xuống giống sớm vài chục ngàn hécta lúa đông xuân. Dự kiến, diện tích lúa đông xuân niên vụ 2013 - 2014 ở ĐBSCL khoảng 1,6 triệu ha. Tuy nhiên, không phải nông dân nào xuống giống sớm cũng may mắn như lão nông Tư Tới ở huyện Vị Thủy. Nhiều nông dân tỉnh Hậu Giang xuống giống sớm đã bị mưa chụp phải gieo sạ lại. “Chúng tôi đang chờ danh sách nông dân bị thiệt hại từ các địa phương để xác định tỷ lệ thiệt hại. Trên cơ sở đó đề xuất tỉnh hỗ trợ”, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết.

Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang đang dự trữ khoảng 30 tấn lúa giống. Ngành nông nghiệp tỉnh này nỗ lực huy động nguồn lúa giống cung cấp cho nông dân, cố gắng không để xảy ra tình trạng nông dân thiếu lúa giống sản xuất. Điều nông dân ĐBSCL lo lắng là liệu cơ quan chức năng có kiểm soát được giá vật tư đầu vào và triệt tiêu dần tình trạng phân giả, kém chất lượng  hay không. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, năm 2013 nông dân sử dụng khoảng 10,3 triệu tấn phân bón. Đây là số lượng rất lớn, nếu tình trạng phân giả, phân kém chất lượng còn kéo dài thì nông dân tiếp tục thiệt hại nặng.

Chọn lúa thơm hay phẩm cấp thấp?

Trong bối cảnh đầu ra hạt lúa còn bấp bênh, các tỉnh ĐBSCL nỗ lực triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ để kịp thời hỗ trợ nông dân. Gần đây nhất là triển khai Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 6139/QĐ-BCT của Bộ Công thương về Phê duyệt quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, nhiều ưu tiên cho nông dân và doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn. Cụ thể, doanh nghiệp được ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ nông sản của Chính phủ. Doanh nghiệp được hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dự án cánh đồng lớn...

Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và giá cả bấp bênh, các địa phương đang nỗ lực xây dựng bộ giống để “thích nghi” với những nguy cơ tiềm ẩn này. Trong đó, nhiều địa phương đã xây dựng các vùng nguyên liệu sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm lên 75% - 80%, hình thành được những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, tập trung. Từng bước, tuyển chọn giống lúa cao sản thích nghi với điều kiện canh tác tại vùng nhiễm mặn, chống chịu khô hạn… Tuy nhiên, cả nông dân trồng lúa thơm và giống lúa phẩm cấp thấp như IR 50404 đều lo lắng. Bởi vụ đông xuân vừa qua, nhiều nông dân trồng lúa thơm ở Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang phải bán ngang với giá lúa thường. Doanh nghiệp thì né trách nhiệm khi cho rằng nông dân trồng lúa thơm không đúng kỹ thuật...

“Ngành nông nghiệp Cần Thơ xác định, giống chủ lực vẫn là lúa thơm Jasmine 85. Đây là giống lúa được nông dân sản xuất nhiều năm qua với tập quán canh tác và kỹ thuật đã khá chắc tay. Đây là giống nổi trội để xuất khẩu”, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết. Trong vấn đề tái cơ cấu kinh tế, bức xúc nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Có ý kiến cho rằng, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần “tái cơ cấu lại Hiệp hội Lương thực Việt Nam”. Ý kiến này không phải không có lý. Sự “ưu ái” trong một thời gian dài, làm cho VFA “ù lì” và lúng túng trong điều hành xuất khẩu - nhất là đối với vùng nguyên liệu. Dù đã tham gia điều hành xuất khẩu hơn 20 năm, nhưng nhìn lại những đầu tư của VFA vào vùng trồng lúa và định hình hạt gạo để “đặt hàng nông dân” rất mờ nhạt. Vì vậy, tình trạng lúa thơm “lên ngôi rồi rớt đài”, lúa IR 50404 lúc được giá, lúc rớt thảm khó tránh khỏi cảnh tái diễn.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục