ĐBSCL: Tăng cường công tác phòng chống cháy rừng mùa khô

Bước vào đầu mùa khô, hầu hết diện tích rừng (cả rừng tự nhiên và rừng trồng) ở các tỉnh ĐBSCL như Long An, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau đều đặt trong tình trạng cảnh báo cháy rất cao (từ cấp độ III trở lên).
Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tuần tra phòng chống cháy rừng. Ảnh: QUỐC BÌNH
Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tuần tra phòng chống cháy rừng. Ảnh: QUỐC BÌNH

Tại Kiên Giang, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng (huyện U Minh Thượng) Trần Văn Thắng cho biết, đặc điểm của Vườn Quốc gia U Minh Thượng là rừng tràm phát triển trên đất than bùn, nguồn vật liệu cháy khô rất dày do tích tụ qua nhiều năm. Do vậy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao khi gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn diễn ra trên diện rộng và trong thời gian dài.

Ngoài Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang còn có Vườn Quốc gia Phú Quốc với tổng diện tích có rừng trên 76.909ha cũng đang đối diện nguy cơ cháy cao. Thượng tá Lê Dũng Sỹ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xà Lực (xã Gành Dầu, Phú Quốc), cho biết, hàng tuần, các đồn biên phòng tuyến Bắc đảo Phú Quốc tổ chức cho bộ đội luyện tập các phương án phòng chống cháy, xử lý nhanh các đám cháy giả định; thường xuyên duy trì các buổi tuần tra đơn phương, tuần tra phối hợp với kiểm lâm để giám sát, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện biên giới Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) cho biết, hiện đang bước vào thời kỳ cao điểm mùa khô nên đơn vị đã xây dựng các phương án để đảm bảo an toàn cho khoảng 8.500ha đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 6.500ha rừng tự nhiên (giáp biên giới Campuchia). Đơn vị đã xây dựng phương án kiện toàn lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); tổ chức và xây dựng các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức về công tác PCCCR; xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng... Đơn vị đã thành lập lực lượng cơ động với 10 thành viên, gồm chủ rừng, hạt kiểm lâm, xã Phước Thiện để kiểm tra toàn bộ lâm phần.

BÙI LIÊM

“Vào những tháng mùa khô này, chúng tôi tiếp tục duy trì các kíp trực, chủ động trong mọi tình huống, tăng cường luyện tập các phương án phòng chống cháy kết hợp tuyên truyền vận động mọi người dân, du khách nêu cao tinh thần bảo vệ rừng”, Thượng tá Lê Dũng Sỹ chia sẻ.

Trong khi đó, tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau), rừng tràm Trà Sư (An Giang), Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), do lượng mưa năm 2022 trên địa bàn thấp hơn trung bình các năm trước, nên nguồn nước duy trì độ ẩm cho rừng trong mùa khô bị thiếu hụt. Trong khi đó, nguồn nước bên ngoài vùng lõi có độ mặn cao, nếu bơm bổ sung vào sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng tràm.

Theo lãnh đạo các đơn vị bảo vệ rừng, bên cạnh điều kiện tự nhiên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nhận thức của một bộ phận người dân về phòng chống cháy rừng cũng còn hạn chế; vẫn còn tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật, thủy sản, bắt ong trong những tháng mùa khô. Các đối tượng dùng lửa bắt ong, hút thuốc bất cẩn là nguyên nhân chính gây ra cháy rừng. “Thông thường, nguy cơ cháy rừng diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Khi xảy ra cháy rất khó chữa do thiếu nước, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt. Vì vậy, ngoài thường xuyên tuần tra, giám sát, công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng đến người dân rất quan trọng”, lãnh đạo một đơn vị quản lý rừng cho biết.

Tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 80.000ha; tỉnh Long An có khoảng 22.000ha, trong đó gần 900ha rừng tự nhiên; tỉnh An Giang có 7.000ha rừng, chủ yếu phân bổ trên địa bàn đồi núi (Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú…); tỉnh Cà Mau có khoảng 94.000ha rừng, phần lớn là rừng ngập mặn và rừng ngập lợ.

Tin cùng chuyên mục