ĐBSCL thắng lớn vụ đông - xuân

Ngày 6-4, tại Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức sơ kết tình hình xuất khẩu gạo quý 1, đánh giá tình hình thu mua tạm trữ và tiêu thụ lúa gạo vụ đông - xuân, đồng thời bàn các giải pháp cho vụ hè - thu sắp tới.
  • Mỗi hécta lúa Global GAP lãi 40 - 45 triệu đồng

Ngày 6-4, tại Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức sơ kết tình hình xuất khẩu gạo quý 1, đánh giá tình hình thu mua tạm trữ và tiêu thụ lúa gạo vụ đông - xuân, đồng thời bàn các giải pháp cho vụ hè - thu sắp tới.

Theo nhận định chung, đến thời điểm này, vụ lúa đông - xuân tại ĐBSCL thắng lợi lớn, được mùa, được giá, nông dân, doanh nghiệp rất phấn khởi.

* Kết thúc quý 1, cả nước xuất khẩu đạt 1,850 triệu tấn gạo các loại, tăng 42,23% về số lượng và 45,75% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt 478,12 USD/tấn (giá FOB), tăng 8,19 USD/tấn so với năm 2010. Trong đó, hợp đồng tập trung chiếm 70% và hợp đồng thương mại chiếm 30%.

Hiện nay, ĐBSCL đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa đông - xuân 2010-2011 với sản lượng trên 10 triệu tấn, tương đương với vụ đông - xuân trước, năng suất bình quân đạt 6,6 tấn/ha, có nơi đến 7,4 tấn/ha. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, vụ lúa đông - xuân 2010 – 2011, nông dân ĐBSCL trúng mùa và trúng giá, mức lợi nhuận cao.

Với giá lúa tiêu thụ bình quân 5.200 - 5.400 đồng/kg, mỗi hécta nông dân lãi 13 - 15 triệu đồng. Đặc biệt, lúa đạt tiêu chí Global GAP của HTX nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang) không chỉ trúng mùa mà còn được Công ty ADC bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 20% nên nông dân rất phấn khởi. Bình quân, mỗi hécta lúa Global GAP được lãi từ 40 - 45 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, đến nay các doanh nghiệp đã mua vào gần 800.000 tấn, đạt gần 80% kế hoạch. Kết hợp với tiến độ xuất khẩu gạo tăng nhanh trong quý 1, lượng lúa gạo vụ đông - xuân được tiêu thụ khá mạnh, giá ở mức cao mặc dù có biến động nhiều lần do ảnh hưởng của nhu cầu và tâm lý trên thị trường xuất khẩu. Theo tính toán của VFA, với mức giá trên 5.000 đồng/kg, nông dân đã có lời 1.800 - 2.000 đồng/kg. Hiện nay, các tỉnh đang triển khai kế hoạch xuống giống trên 1,6ha lúa hè - thu năm 2011, phấn đấu đến cuối vụ thu hoạch trên 8 triệu tấn, chiếm 40% sản lượng lúa cả năm.

“Chưa năm nào quý 1 xuất khẩu gạo thuận lợi như năm nay”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA phấn khởi nói. Theo ông Phong, thị trường xuất khẩu gạo trong quý 1 diễn biến phức tạp, trong đó Philippines là thị trường truyền thống nhưng lại thay đổi chính sách, trì hoãn và giảm nhập khẩu; thị trường thương mại khu vực châu Phi và Trung Đông do bất ổn chính trị làm giảm nhu cầu.

Tuy nhiên, do được thay thế bằng thị trường Indonesia và Bangladesh nên xuất khẩu gạo tháng 3 vượt mức kế hoạch đến 750.000 tấn. Hơn nữa, tiến độ ký kết hợp đồng quý 1 đạt ở mức cao, tăng 14,73% so với cùng kỳ năm 2010 do số lượng đăng ký hợp đồng thương mại trong tháng 3 tăng mạnh, cao nhất từ trước đến nay. Đa số các hợp đồng tập trung vào thị trường châu Phi, tư nhân Philippines và đặc biệt là Trung Quốc. Hiện có hơn 20 công ty của Trung Quốc ký hợp đồng mua gạo Việt Nam với số lượng trên 130.000 tấn, nâng tổng lượng gạo chưa giao hàng lên đến 1,5 triệu tấn, cao hơn mức tồn kho trong doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là điều kiện để giữ tiến độ xuất khẩu trong quý 2 và tăng nhu cầu tiêu thụ lúa hàng hóa sắp tới.

Tại cuộc họp, đa số các thành viên VFA đều thống nhất giữ nguyên mức giá sàn xuất khẩu hiện nay để đảm bảo tiêu thụ lúa hàng hóa ở mức cao, nhằm tạo nguồn thu cho nông dân, góp phần ổn định an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Tại cuộc họp, ông Trương Thanh Phong cũng cam kết tiếp tục thu mua tạm trữ nếu vụ hè - thu tiêu thụ chậm, đảm bảo mặt bằng giá ở mức 5.000 đồng/kg nhằm bình ổn giá trong nước và đảm bảo cho nông dân sản xuất có lời.

Trần Minh Trường

Tin cùng chuyên mục