Câu chuyện lương thực đang nóng lên từng ngày. Cụ thể, cuộc họp của các bộ trưởng lương thực thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Niigata, Nhật Bản ngày 17-10 đã đưa ra Tuyên bố và Kế hoạch hành động Niigata. Theo đó kêu gọi gia tăng sản lượng lương thực nhằm giúp gần 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói. Nhiều tín hiệu cho thấy nghề trồng lúa ở Việt Nam đang được cải thiện theo hướng tích cực. Song đối với vựa lúa ĐBSCL vẫn còn nhiều rủi ro.
Cuộc khủng hoảng giá lương thực thế giới năm 2007 và 2008 là lời cảnh báo về một nền an ninh lương thực dài hạn rất dễ tổn thương. Giờ đây, cần những hành động cụ thể để đảm bảo nuôi sống dân số thế giới trong tương lai. Theo Tổ chức Lương nông của Liên hiệp quốc (FAO), để đáp ứng nhu cầu của hơn 9 tỷ dân trên thế giới vào năm 2050, sản xuất lương thực phải tăng 70% so với hiện nay.
Do nhu cầu lương thực thế giới tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng nhích lên. Gần đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam liên tục nâng mức giá “sàn” xuất khẩu gạo. Đây là tín hiệu tốt để đảm bảo mặt bằng giá lúa, gạo ở mức có lợi cho nông dân ĐBSCL. Hiện giá lúa dao động ở mức 5.000 - 6.000 đồng/kg tùy theo loại. “Năng suất lúa Việt Nam vào loại cao nhất Đông Nam Á, bình quân 5,3 tấn/ha/vụ. Riêng vụ đông - xuân, nhiều địa phương như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp đạt 7,2 - 7,3 tấn/ha, tương đương với những nước trồng lúa có năng suất cao nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…” - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết như trên khi triển khai vụ đông - xuân 2010 - 2011.
Qua đó cho thấy, trình độ sản xuất, thâm canh lúa nông dân vào loại cao. Vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày được khẳng định. Cục Trồng trọt nhận định: Sản lượng lúa cả nước năm 2010 ở mức 39,9 triệu tấn, trong đó, các tỉnh phía Nam trên 23,5 triệu tấn, riêng vùng ĐBSCL đạt sản lượng 21,5 triệu tấn với năng suất bình quân 5,47 tấn/ha. Cùng thời gian này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam khẩn trương quy hoạch và hoàn thành hệ thống kho chứa lương thực tại ĐBSCL trước ngày 31-6-2012.
Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa ĐBSCL khoảng 20 triệu tấn/năm, chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, thế nhưng tổng công suất kho chứa hiện có của vùng chỉ khoảng 1,5 triệu tấn. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm trong hơn 10 năm qua - nhất là khi lúa hàng hóa của nông dân bị ứ đọng, khó tiêu thụ… thiếu kho để chứa. Giữa tháng 10-2010, nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa thu - đông (lúa vụ 3), gặp thời tiết mưa bão thiếu lò sấy, sân phơi lúa xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nông dân khóc tức tưởi vì lúa nảy mầm.
Với đà xuất khẩu như hiện nay, năm 2010 xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không thấp hơn mức 6 triệu tấn như năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu và giá trị gạo xuất khẩu sẽ tăng mạnh nhưng những bất trắc, rủi ro vẫn luôn rình rập trên lưng người nông dân.
Trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt: mưa, bão, lũ, hạn, mặn xâm nhập… nông dân ĐBSCL đang trông chờ vào các quyết sách căn cơ được triển khai nhanh để chủ động ứng phó. Nông dân không vui gì khi thấy báo chí cứ đưa ra những con số tổn thất sau thu hoạch ở ĐBSCL lên hàng ngàn tỷ đồng vì thiếu sân phơi, máy sấy, máy gặt đập liên hợp…
Nông dân không khỏi nghi ngờ khi đặt câu hỏi: cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã làm gì để thể hiện đúng trách nhiệm với nông dân - người cung cấp lúa, gạo nguyên liệu để xuất khẩu? Hay doanh nghiệp cứ lo xuất khẩu gạo, kiếm lời còn nông dân cứ hứng chịu cảnh lúa… nảy mầm trong nhiều năm tiếp theo!
CAO PHONG