Sáng 26-2, tại Đồng Tháp, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đã tham dự Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL. Đây được xem là hội nghị triển khai thực hiện chỉ đạo nhanh chóng thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo của Thủ tướng Chính phủ vừa qua.
Thị trường xuất khẩu gạo nhiều thách thức
“Sau ý kiến chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ của Thủ tướng Chính phủ, giá lúa có tăng nhẹ, song vẫn còn thấp so với năm 2018. Giá lúa và khâu tiêu thụ vẫn còn đó những khó khăn. Chuyện tiêu thụ lúa đông xuân trở nên nóng vì doanh nghiệp không đủ hạn mức tín dụng mua lúa của nông dân. Để giải quyết vấn đề căn cơ, Chính phủ cần có giải pháp, chính sách để xác lập dài hạn hơn cho chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, phát biểu tại hội nghị.
Sau khi điểm lại và biểu dương những kết quả xuất khẩu gạo năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyên Xuân Cường đã lý giải những nguyên nhân giá lúa giảm: “Do năm 2018 có lũ đẹp, nông dân tranh thủ xuống giống tập trung khi lũ rút. Lúa trúng mùa nhưng chín sớm hơn lại thu hoạch tập trung nên khó bán, giá giản. Do khó khăn đầu ra nên doanh nghiệp cũng có tâm lý chưa mua”.
Theo Bộ Công thương, hiện một số nước thay đổi phương thức nhập khẩu gạo: Cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt đấu thầu để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh. Nhiều nước trong khu vực nỗ lực xuất khẩu gạo… Các động thái trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua. Nước ta khó duy trì giá xuất khẩu gạo như năm 2018. Xuất khẩu gạo dự báo sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn khi nhu cầu nhập khẩu giảm ở một số thị trường.
“Gạo xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn từ gạo Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Ấn Độ. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng gạo. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói tránh sai sót, rủi ro, có thể phát sinh xuất khẩu vào thị trường này”,ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhận định |
Đảm bảo vốn để doanh nghiệp mua lúa nông dân
“Hiện giá lúa đông xuân giảm khoảng 300 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán, và giảm 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Nông dân vẫn có lãi nhưng không nhiều. Tôi đề nghị, phía ngân hàng cần tạo ra cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận đủ nguồn vốn để mua lúa của doanh nghiệp. Đề nghị các bộ ngành nên xem xét phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa tạm trữ về để bình ổn mặt bằng giá lúa ở các địa phương”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề xuất.
“Tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ diễn biến phức tạp và cạnh tranh khốc liệt hơn năm 2019”, đây là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Theo ông Nam, hiện nay do tình hình thu hoạch rộ nên nhu cầu thu mua dự trữ lưu thông tăng đột biến. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực đều thiếu vốn dự trữ lưu thông so với hoạt động bình thường. VFA đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại có gói tín dụng riêng cho đợt thu mua dự trữ này, thời gian dài tối đa 6 tháng để các doanh nghiệp tăng cường thu mua hết lúa hàng hóa trong tháng 3 và chủ động lựa chọn thời gian bán ra thích hợp giúp nông dân có nguồn vốn kịp thời tác đầu tư cho vụ hè thu sắp tới.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nhận định đây là thời điểm mua lúa tốt nhất và đã cam kết sẽ tập trung mua lúa hàng hóa tại ĐBSCL để phục vụ xuất khẩu trong năm 2019.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cho biết: “Không tăng định mức nhưng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn của doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực lúa gạo”. |