Ngày 17-4, Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Trong tuần qua, tỉnh Cà Mau có thêm hơn 260ha nuôi có tôm bệnh, chết, nâng số diện tích tôm bệnh từ đầu vụ 2012 tới nay của tỉnh này trên 5.800ha. Ngành chức năng Cà Mau đã xuất trên 37 tấn chlorine giúp người nuôi tôm xử lý ao, đầm có tôm chết, tránh ảnh hưởng môi trường nuôi của những hộ trong vùng.
Tại Bạc Liêu, do thời tiết thất thường nên tuần qua có thêm hơn 180ha tôm nuôi của hộ dân trong tỉnh bị thiệt hại, nâng tổng diện tích tôm bị thiệt hại từ đầu năm đến nay của Bạc Liêu trên 2.470ha. Ngành chức năng Bạc Liêu khuyến cáo các hộ có diện tích tôm chết không được xả thải nước ô nhiễm ra kênh, rạch mà phải tiến hành xử lý, cải tạo lại ao đầm đúng kỹ thuật, sau đó mới thả tôm giống nuôi nối vụ nhằm tránh mầm bệnh lưu truyền vụ sau.
Chiều 17-4, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh cho biết, trong 1,5 tỷ con tôm sú thả nuôi đầu vụ trên diện tích 19.323ha, hiện có trên 3.351ha với gần 300 triệu con bị chết, ước thiệt hại hơn 300 tỷ đồng. Tôm chết giai đoạn 15 – 45 ngày tuổi, chủ yếu nhiễm bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng và đầu vàng.
Riêng tại huyện Cầu Ngang, diện tích thiệt hại gần 1.000ha. Đặc biệt, xã Mỹ Long Nam, tôm nuôi bị chết chiếm trên 85% diện tích, với trên 115 triệu con giống, ước tổng thiệt hại lên đến 250 tỷ đồng. Trà Vinh chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh công bố dịch bệnh tôm sú trên diện rộng tại địa bàn xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, đồng thời kiến nghị trung ương có chính sách hỗ trợ tiếp cho tỉnh phòng chống dịch bệnh tôm sú, hạn chế lây lan trên diện rộng.
X.Hạ - Đ.Cảnh