Ngày 14-7, tin nhanh từ ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong tổng số hơn 29.849 ha tôm thả nuôi (trong đó diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp 13.534,6 ha) từ đầu năm đến nay có hơn 11.649 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm gần 40% tổng diện tích xuống giống.
Thiệt hại nặng là thị xã Vĩnh Châu (51,4%), huyện Trần Đề (33,8%) và huyện Mỹ Xuyên (35%). Tại Cà Mau, tính đến trung tuần tháng 7 vừa qua, tỉnh này có hơn 11.500 ha tôm nuôi bị bệnh (trong đó có trên 780 ha nuôi công nghiệp bị chết, mức độ thiệt hại gần như hoàn toàn).
Cùng thời điểm trên, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tại tỉnh Bạc Liêu là hơn 10.000 ha, trong đó, hơn 4.600 ha bị thiệt hại trên 50%, riêng mô hình nuôi công nghiệp và bán công nghiệp thiệt hại gần như hoàn toàn, ước tính thiệt hại bằng tiền hàng chục tỷ đồng. Tôm chết tập trung ở huyện Giá Rai, Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu. Nguyên nhân tôm chết bước đầu được xác định do mắc bệnh đốm trắng, đầu vàng, đỏ thân, teo và hoại tử gan tụy…
Tôm chết liên tục đẩy người nuôi vào tình cảnh khó khăn về tài chính, thiếu vốn tái sản xuất trầm trọng nên thả nuôi cầm chừng, một số chấp nhận phương án treo đầm, số còn lại đang thời gian chờ thu hoạch, nhưng lo lắng do giá tôm thương phẩm đang sụt mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi chi phí đầu tư tăng vọt.
Tìm hiểu nguyên nhân tôm sụt giá, được biết niên vụ nuôi tôm 2012 này nông dân Ấn Độ và Thái Lan trúng đậm tôm sú và tôm thẻ đã tác động lớn giá tôm trong nước. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tại địa phương buộc nhập nguồn hàng từ bên ngoài mới đảm bảo duy trì sản xuất và việc làm thường xuyên cho công nhân.
X.Hạ