(SGGPO).- Đó là khẳng định của ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại hội thảo “Vai trò của tín dụng đối với sản xuất nông sản xuất khẩu vùng ĐBSCL”, diễn ra tại Bến Tre chiều ngày 7-4.
ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế, đang trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của quốc gia như lúa gạo, thủy sản, trái cây… Tuy nhiên, ĐBSCL cũng đang đối mặt thách thức lớn trong quá trình hội nhập như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết… Vì thế cần phải sớm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả. Ngành ngân hàng cam kết đồng hành cùng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ưu tiên sản xuất nông sản xuất khẩu của ĐBSCL…-Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Những năm qua, ngành ngân hàng đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng cho khu vực ĐBSCL, đặc biệt là tín dụng đối với nông sản xuất khẩu của vùng này. Mấy năm qua, tổng dư nợ cho vay đối với khu vực ĐBSCL không ngừng tăng lên, từ hơn 271.000 tỷ đồng năm 2012 lên 334.146 tỷ đồng năm 2014 và đến hết tháng 2-2015, tổng dư nợ tăng lên 353.816 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 163.000 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014; lần lượt chiếm 22% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm 46% tổng dư nợ toàn vùng. Trong tổng dư nợ cho vay đối với nông nghiệp nông thôn đã hướng mạnh vào các chương trình tạo ra nông sản chủ lực xuất khẩu của vùng như tôm, cá tra, lúa gạo, dừa…
BÌNH ĐẠI