ĐBSCL: Xây dựng chuỗi giá trị nông – thủy sản

Bài 1: Những nút thắt cần tháo gỡ
ĐBSCL: Xây dựng chuỗi giá trị nông – thủy sản

Bài 1: Những nút thắt cần tháo gỡ

ĐBSCL là vùng chăn nuôi và sản xuất nông thủy sản lớn nhất cả nước, cung cấp nguồn nguyên liệu xuất khẩu chủ lực. Dù có lợi thế lớn về nông nghiệp nhưng lâu nay ĐBSCL vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh để làm giàu. Một trong những hạn chế cơ bản là do việc liên thông, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn rời rạc. Do đó tình trạng lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu luôn xảy ra, ảnh hưởng đến người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.

Xuất khẩu tôm sú, thế mạnh ở ĐBSCL.

Xuất khẩu tôm sú, thế mạnh ở ĐBSCL.

  • Thất thoát hơn 10%

Đến giữa tháng 8-2011, giá lúa khô tại ĐBSCL loại thường dao động từ 6.950 - 7.050 đồng/kg, lúa dài khoảng 7.050 - 7.150 đồng/kg; gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện có giá khoảng 9.200 - 9.300 đồng/kg, tùy chất lượng và địa phương. Đây là mức giá kỷ lục vụ lúa hè - thu trong gần 20 năm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến giữa tháng 8-2011 nước ta đã xuất khẩu được 4,8 triệu tấn gạo, đạt 2,26 tỷ USD.

Liên kết để hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản là mục tiêu đặt ra từ lâu. Song, việc này đến nay vẫn còn mang tính chắp vá, rời rạc.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: Lúa gạo là mặt hàng thế mạnh của ĐBSCL, gần đây giá cả tăng cao ngất ngưởng nhưng giá trị trong chuỗi sản xuất vẫn mong manh và nông dân hưởng lợi rất thấp. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn ở dạng bán gạo “trắng”, thị trường chưa ổn định, không có gạo đặc sản và thiếu thương hiệu nên giá trị mang lại không cao.

Chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, xuất khẩu lúa gạo nước ta xoay quanh các đầu mối “nông dân - thương lái - doanh nghiệp”, cùng sự tham gia của các nhà máy xay xát, cơ sở lau bóng… Đây là chuỗi sản xuất đã hình thành nhiều năm, nhưng đến nay hầu như không có phương thức hợp tác thỏa đáng, chặt chẽ. Điều này còn phản ánh cơ cấu sản xuất manh mún nhỏ lẻ. Hầu hết nông dân sau khi thu hoạch xong bán thẳng cho thương lái và thương lái mang lúa đến nhà máy xay xát. Nhiều cơ sở xay xát lúa gạo không có kho tồn trữ nên không mua lúa trực tiếp của nông dân. Việc xay xát gạo được thực hiện thành hai giai đoạn, trước hết xay xát vỏ lúa. Sản phẩm trung gian sau đó chuyển tới các nhà máy xay xát lớn hơn để sản xuất gạo trắng, nếu xuất khẩu phải đưa đi lau bóng…

Từ nhiều công đoạn trên, kéo theo tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hơn 10%, tương ứng với nửa tỷ USD mất đi mỗi năm. Khắc phục vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo và có những hỗ trợ nhất định để các tỉnh đầu tư vào hệ thống thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, mở rộng kho chứa lúa gạo… song quá trình thực hiện rất chậm.

  • Đối mặt nhiều rủi ro

Cá tra, ba sa cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng do thiếu liên thông- liên kết nên việc phát triển ngành này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Nếu như trước đây tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá chỉ 10% - 20%, nay hao hụt tăng lên 30%, thậm chí 40% - 50%. Căng thẳng nhất là nguồn nguyên liệu lúc thừa - lúc thiếu khiến việc sản xuất và xuất khẩu luôn bị động. Cụ thể thời điểm tháng 3, tháng 4-2011, giá cá tra liên tục tăng đến mức kỷ lục 28.000 - 28.800 đồng/kg, buộc nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc tạm ngưng hoạt động vì không đủ nguyên liệu. Tuy nhiên sang tháng 5-2011 đến nay, giá cá rớt thê thảm chỉ còn 21.000 - 22.000 đồng/kg, người nuôi kêu bán không ai mua dù chấp nhận lỗ nặng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chua chát: “Cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trên thế giới, đáng lẽ chúng ta phải chủ động về giá bán, nhưng do thiếu liên kết, cạnh tranh nội bộ… nên phát sinh tình trạng bán phá giá, bán theo kiểu “nô lệ” một cách đáng trách”.

Tại các tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre… đã hình thành những vùng nuôi tôm sú lâu năm. Nhưng khi hỏi chuyện liên kết ai cũng lắc đầu.

Ông Võ Hồng Ngoãn, “vua tôm” ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, phân tích: “Trong chuỗi giá trị của nghề nuôi tôm, doanh nghiệp luôn cầm cán, còn nông dân cầm lưỡi. Khâu đầu vào các nhà sản xuất con giống, thức ăn, cung ứng thuốc… bỏ túi lợi nhuận đầu tiên. Đầu ra đến lượt doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hưởng lợi, trong khi đó người nuôi luôn phụ thuộc, ranh giới lời lỗ rất bấp bênh. Ngoài ra nơi đây còn đối mặt với dịch bệnh như vụ tôm năm 2011 đã đẩy hàng loạt hộ nuôi vào cảnh trắng tay”.

  • TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

“Chính phủ nên khuyến khích đẩy mạnh việc đa dạng hóa nông nghiệp, đầu tư hiện đại hóa chuỗi giá trị lúa gạo. Cần hỗ trợ nông dân thông qua các hiệp hội, hợp tác xã, giúp họ tiếp cận và tham gia khâu tồn trữ lúa… để cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng giá lúa gạo vụ hè - thu tăng đột ngột đã làm nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lỗ nặng. Chuyện thua lỗ này đã phản ánh đúng thực trạng kinh doanh “ăn xổi, ở thì” và sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản”.

Cao Phong - Huỳnh Lợi


Bài 2: Bình đẳng, cùng hưởng lợi

Không nên cứ đẩy sản xuất nặng về số lượng, mà đã đến lúc các nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp cần hợp tác tái cấu trúc nền sản xuất theo hướng tạo ra hàng hóa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu nông sản. Đây là yêu cầu cấp bách đối với nông nghiệp ĐBSCL.

  • Tạo vùng nuôi tập trung

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2010 xuất khẩu tôm đạt kim ngạch hơn 2 tỷ USD, đứng đầu ngành thủy sản. Hiện mặt hàng tôm Việt Nam được xuất đến 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như châu Âu, Hoa Kỳ… năm 2011, tôm được tiêu thụ mạnh ở thị trường châu Á…

Bộ NN-PTNT nhận định, đầu ra của con tôm rất có triển vọng, thị trường ngày càng mở rộng. Tuy nhiên việc sản xuất còn nhiều trở ngại, như thời vụ nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ, hệ thống thủy lợi yếu kém, dịch bệnh vẫn tràn lan, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi lỏng lẻo, dẫn đến giá cả thất thường.

Nguyên nhân là do các vùng nuôi tôm thuộc dạng nhỏ lẻ, diện tích nuôi quảng canh quá nhiều, thu hoạch không tập trung nên rất khó thu mua. Tháo gỡ việc này, các địa phương cần quy hoạch lại vùng nuôi theo mô hình công nghiệp. Có thể quy tụ người nuôi vào hợp tác xã hay tổ hợp tác để dễ tập trung đầu tư về thủy lợi, giống, chăm sóc, thu hoạch…

Tại một số tỉnh ở ĐBSCL, các doanh nghiệp đang “chữa cháy” bằng cách liên kết với 10 hộ hoặc 20 hộ có năng lực để hình thành vùng nuôi rộng hàng trăm ha. Doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Cũng từ cách làm trên, giữa doanh nghiệp và người nuôi đã thống nhất được phương thức nuôi rải vụ để có tôm thu hoạch quanh năm, tránh tình trạng “đến mùa - rớt giá”, gây thiệt hại cho người nuôi và khắc phục tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trầm kha trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc thủy sản Gò Đàng cho rằng, để ổn định sản xuất và xuất khẩu cá tra, không thể không tính đến chuyện liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tăng sức mạnh và chia sẻ rủi ro. Ngoài ra, cần phát triển mô hình “nuôi gia công” cho các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có lợi thế về vốn, còn người nuôi có kinh nghiệm, chăm sóc và quản lý tốt hơn. Vấn đề là phối hợp thế nào trên tinh thần cùng có lợi.

  • Nhiều không hẳn là tốt

Đó là cảnh báo của các chuyên gia lúa gạo đối với “vựa lúa” ĐBSCL. Bởi thống kê cho thấy, lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua nhưng thu ròng về ngoại tệ lại giảm đáng kể. Sản xuất nông nghiệp tốn rất nhiều chi phí. Khoảng 40%-50% chi phí của gạo xuất khẩu có liên quan đến đầu vào sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, trong khi gạo là hàng hóa có giá trị gia tăng tương đối thấp. Do vậy cần phải thay đổi việc sản xuất để nâng chất giá trị hạt gạo thay vì phải dốc sức tăng số lượng gạo xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần mô hình liên kết. Ảnh: Huỳnh Lợi

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần mô hình liên kết. Ảnh: Huỳnh Lợi

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận xét: Lâu nay, chuỗi sản xuất lúa gạo là một cấu trúc nghịch. Theo đó, nhà khoa học nghiên cứu, chuyển giao giống cho nông dân, rồi doanh nghiệp mua hàng hóa thay vì doanh nghiệp phải “đặt hàng” cho nhà khoa học và nông dân để sản xuất hàng hóa theo chủng loại, chất lượng theo yêu cầu của mình.

Đối với mặt hàng rau quả, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, bức xúc: “Chúng ta cứ mãi hô hào ĐBSCL là vựa trái cây, nơi có nhiều giống ngon… nhưng giá trị xuất khẩu chưa tương xứng bởi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Để trái cây phát triển mạnh, nhất thiết phải thay đổi tập quán canh tác, liên thông đầu vào - đầu ra nhằm xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn. Làm được việc này cần có vai trò “nhạc trưởng” để điều phối chung và công tác quản lý Nhà nước rất quan trọng”.

Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, để nông dân trồng lúa thật sự làm giàu từ cây lúa, thay vì phải dốc sức tăng số lượng, nên tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo. Song song đó, doanh nghiệp cần “yêu thương” nông dân hơn nữa bằng việc tăng cường hợp tác, bao tiêu, mở rộng đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng cao. Sự liên thông, liên kết chỉ bền vững một khi lợi nhuận trong chuỗi giá trị hạt gạo được phân chia đồng đều giữa người trực tiếp sản xuất với thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung cấp vật tư… Vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay là nông dân, người trực tiếp sản xuất, luôn phải chịu thiệt, là một nghịch lý cần giải quyết.
 

“Việc liên thông, liên kết trong sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản đặt ra rất bức thiết. Bộ NN-PTNT khuyến khích doanh nghiệp và nông dân phát triển mô hình liên kết để tăng chất lượng, tăng giá trị sản phẩm. Chúng ta có thể liên kết “4 nhà” hoặc liên kết “2 nhà” cũng được, không cứng nhắc theo quy định cũ. Vấn đề là phải triển khai một cách hiệu quả. Vai trò chính trong chuỗi liên kết là nông dân và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp phải đóng vai trò chính.”

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

CAO PHONG – HUỲNH LỢI 

Tin cùng chuyên mục