
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc sử dụng xe đạp ở TPHCM như là một trong những phương thức giao thông sạch, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức như thế nào? Đây là những vấn đề đã được phân tích, đánh giá tại buổi tọa đàm “Đi xe đạp ở TPHCM” do Báo SGGP tổ chức ngày 25-4.
Ô nhiễm giảm, sức khỏe tăng
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh, nguyên Trưởng phòng Vận tải hành khách TPHCM, bày tỏ: Chủ trương của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại, thay vì chỉ sử dụng xe gắn máy như hiện nay, gây quá tải về hạ tầng giao thông. Xe đạp đã được các nước trên thế giới sử dụng rất nhiều nhất là các đô thị lớn, nhằm kết nối với các hình thức vận tải khác nhau như xe buýt, tàu điện ngầm. Ngoài ra, người dân có thể dùng xe đạp công cộng để lưu thông trong phạm vi 2km, hay khu trung tâm để tiết kiệm nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường giống như khi đi lại bằng xe máy. Để chuẩn bị thực hiện đề án xe đạp đạt hiệu quả, cần phải có làn đường dành riêng cho xe đạp thay vì đi chung với xe máy như hiện nay. Xây dựng các trạm để xe đạp công cộng (xe cùng chủng loại, cùng màu sơn) dành cho du khách thật thuận tiện, thời gian đầu nên cho người dân sử dụng miễn phí, sau đó mới tính giá thuê xe nhưng phải hợp lý nhằm khuyến khích mọi người sử dụng dịch vụ này… Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải đề xuất thành phố thực hiện thí điểm trước một số nơi như các bến xe, khu du lịch…
Còn ông Trịnh Văn Chính, Trưởng khoa Quy hoạch Giao thông Trường ĐH Giao thông Vận tải, đây là phương pháp khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, dễ dàng tiếp cận các điểm cần đến hoặc cần đi từ các trạm xe buýt hoặc bến xe, bến tàu một cách dễ dàng, nhất là sinh viên, học sinh, công nhân và cả du khách, sử dụng xe đạp hoặc đi bộ vào khu trung tâm TP bán kính cũng chỉ trong khoảng 2km.
Ông Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch TPHCM, bày tỏ quan điểm ủng hộ đề án trên: “Hoan nghênh dự án này. Ý tưởng này đã được làm thành công ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, hy vọng sẽ triển khai thành công ở TPHCM”. “Đề án này rất hay. Phát triển xe đạp công cộng sẽ giúp bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan giao thông thân thiện. Dịch vụ xe đạp công cộng thật sự tiện lợi với những quãng đường ngắn dưới 2km. Nếu thành công giúp tăng cường vận tải công cộng kết hợp xe buýt, tàu điện ngầm, đồng thời điều tiết phương tiện vào trung tâm các thành phố. Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng” - TS Võ Kim Cương nói.

Đi xe đạp được khuyến khích, tạo điều kiện. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Khó thực hiện
Mặc dù các chuyên gia đều ủng hộ dự án, tuy nhiên mục đích làm sao phát triển phương tiện vận tải công cộng là để giảm các phương tiện cá nhân, nếu dịch vụ thuê xe đạp để đi tiếp thì vẫn là xe cá nhân còn chiếm dụng đường nhiều hơn xe máy vì thời gian đi trên đường lâu hơn, xe đạp không chở thêm như xe máy được. Với thực trạng giao thông như hiện nay dùng phương tiện xe đạp để lưu thông không đảm bảo an toàn. Bà Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, nêu vấn đề: “Đứng về góc độ người tham gia giao thông, tôi thấy không an tâm khi di chuyển bằng xe đạp. Tôi thường xuyên bị xe buýt “rượt đuổi” ép trước, ép sau muốn quăng xe bỏ chạy. Đây là nỗi ám ảnh hàng ngày của tôi trên đường vào chỗ làm việc. Đó là đi xe máy, còn xe đạp thì thế nào?”. Theo bà Lý Việt Trung, muốn thực hiện cần phải có đề án cụ thể thật chi tiết và tuyên truyền thường xuyên để người dân hiểu lợi ích của việc sử dụng xe đạp. Bên cạnh đó, cần phải đầu tư hạ tầng dành riêng cho xe đạp. Trước hết, cần thí điểm một vài nơi có lợi thế, không nên áp dụng đại trà nếu không sẽ phản tác dụng.
TS Võ Kim Cương cũng bày tỏ: “Vấn đề nan giải hiện nay là TPHCM đang quá tải về mặt đường, vỉa hè, nên việc dành riêng làn đường cho xe đạp rất khó. Trước mắt, nếu có thực hiện chỉ nên áp dụng thí điểm tại những khu vực trung tâm, những nơi có các tuyến xe buýt, mà có nhiều làn đường, có thể dành riêng khu vực di chuyển cho xe đạp. Cùng lúc, các cơ quan chức năng cần phải triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều loại hình giao thông công cộng khác, nhất là xe buýt và tàu điện ngầm để có thể kết nối chặt chẽ, hợp lý với xe đạp công cộng.
Còn theo ông Trịnh Văn Chính, Trưởng khoa Quy hoạch Giao thông Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM: Việc sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông công cộng, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhiều năm qua. Việt Nam mới triển khai nhưng chưa thực hiện được do ảnh hưởng nhiều yếu tố như thời tiết khắc nghiệt, người dân có thói quen sử dụng xe gắn máy từ nhà đến chỗ làm việc… Vì vậy, chủ trương sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông sẽ khó thực hiện ở TPHCM. Để thực hiện được, cần làm sao để người dân biết rõ lợi ích của việc sử dụng xe đạp. Trước hết, các đơn vị chuyên ngành nên khảo sát và đưa ra kế hoạch chi tiết từng nhóm khu dân cư nào có khả năng áp dụng được. Đơn cử như các trường đại học (hiện nay có khoảng 40% sinh viên sử dụng xe đạp), công nhân… Bên cạnh đó, cần quy hoạch làn đường cho xe đạp.
Các chuyên gia cũng như nhà quản lý đều cho rằng, đề án khó có thể thực hiện đại trà trên địa bàn TP cho dù những lợi ích mà việc sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông công cộng là rất nhiều. Cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được mục đích này. Để triển khai hợp lý đề án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng, Sở Giao thông Vận tải cần tham khảo ý kiến rộng rãi của người dân, nhất là ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài ngành để khi đưa vào thực hiện đạt được hiệu quả cao. Không quên kết hợp với nhiều đề án khác như phát triển giao thông công cộng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, chấn chỉnh quản lý quy hoạch đô thị, giải tỏa lòng, lề đường... Các địa phương phải lập một dự án chung, trong đó quy định về đường đi lối lại, điểm đậu xe, giá vé… để các doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu, đầu tư.
QUỐC HÙNG