Để các nhà khoa học trẻ hết mình phục vụ

Hôm nay, 11-9, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ KH-CN tổ chức cuộc gặp gỡ của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Bộ KH-CN và các nhà khoa học trẻ mong muốn điều gì ở cuộc gặp gỡ này?

Cơ hội để hiểu tâm tư các nhà khoa học trẻ

Theo Bộ KH-CN, 70 nhà khoa học trẻ được lựa chọn tham gia dự kiện này là những người có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, có công bố quốc tế hoặc có những cải tiến kỹ thuật đóng góp lớn cho doanh nghiệp và kinh tế - xã hội. Họ đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các nhà khoa học trẻ ở nước ngoài... để báo cáo với Chính phủ, trao đổi và đề xuất liên quan đến quá trình hoạt động KH-CN. Cuộc gặp gỡ này là diễn đàn rất tốt để các bộ, ngành quản lý và lãnh đạo Chính phủ hiểu được tâm tư của những người làm khoa học.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc, Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển, nhưng hiện nay môi trường, điều kiện cho các nhà khoa học trẻ đã có thay đổi đáng kể theo hướng tích cực.

Liên quan đến việc một số nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài có nguyện vọng được về nước làm việc, nhưng họ lo ngại về môi trường, mức thu nhập, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: “Cá nhân tôi rất hoan nghênh các trí thức Việt kiều đang sống và làm việc ở một nước phát triển trở về sống và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi trở về, các trí thức Việt kiều nên có sự tìm hiểu về những hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của họ ở các trường đại học, các viện nghiên cứu tại Việt Nam, để từ đó có quyết định phù hợp nhất. Bộ KH-CN và những cơ quan liên quan sẽ hỗ trợ tối đa trong vấn đề này”.

Cần những chính sách ưu tiên cụ thể

Mặc dù đam mê là điều quan trọng nhất để có các thành tựu nghiên cứu khoa học, việc đảm bảo cuộc sống ổn định và môi trường làm việc tốt là hai yếu tố cần thiết để thu hút, duy trì và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ. Vì vậy, các giải pháp để thu hút, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ cần tập trung vào cải thiện hai yếu tố này. Đó là chia sẻ của TS Trương Trung Kiên, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông. Từ kinh nghiệm bản thân mình, TS Trương Trung Kiên cho rằng, để thu hút nhà khoa học trẻ, nên có những chính sách cụ thể ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ như giảm yêu cầu đối với các nhà khoa học trẻ lần đầu đăng ký đề tài. Bên cạnh đó, nên có những quỹ nghiên cứu khoa học hỗ trợ các nhà khoa học trẻ trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng nhóm nghiên cứu. Còn Thạc sĩ Lương Trung Sơn (Học viện Kỹ thuật quân sự) thì cho rằng, cái khó trong việc thu hút nhà khoa học trẻ là môi trường làm việc thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh cũng như có nhìn nhận, đánh giá chính xác để người tài có thể yên tâm, mong muốn phấn đấu, khẳng định mình. Với các ngành khoa học kỹ thuật, hiện nay cơ sở vật chất phòng thí nghiệm còn hạn chế, thiếu đầu tư theo chiều sâu, thiếu sự liên kết giữa các lĩnh vực làm giảm khả năng phát triển nghiên cứu và phát huy chuyên môn của nhà khoa học. Không chỉ vậy, cơ chế hành chính và tài chính còn nhiều bất cập, rườm rà gây lãng phí thời gian, kinh phí đầu tư và làm giảm sự chuyên tâm, nhiệt huyết của các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu.

TS Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Điện lực thì cho rằng, đầu tư cho nghiên cứu khoa học thường tốn kém thời gian và chi phí trong giai đoạn đầu. Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ cần tạo điều kiện cho họ về mặt thời gian và kinh phí. “Tôi mong muốn có một môi trường nghiên cứu khoa học bình đẳng, không phân biệt tuổi tác, địa vị mà vấn đề là những công trình khoa học, đề tài khoa học có ý nghĩa” - TS Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục