Trong lúc cà phê, cao su, những loại cây công nghiệp du nhập vào Việt Nam đã có “danh phận” thì cây ca cao luôn bị “lỡ nhịp”…
Nhận dạng bất cập
Đầu thập niên 2000, lần thứ 3 cây ca cao lại được trồng trở lại ở các tỉnh phía Nam với sự vào cuộc của các tổ chức nước ngoài, đầu tiên là ACDI/VOCA với dự án Success Alliance (Mỹ), sau đó là Helvetas (Thụy Sĩ). IDH… cùng các công ty nước ngoài Cargill, Mars, Puratos Grand Place... Ca cao là một trong số ít cây trồng ưu tiên trong hợp tác công tư (PPP) với dự án phát triển ca cao bền vững do Chính phủ Hà Lan tài trợ cùng với sự vào cuộc của Rabobank, Tổ chức IDH và Tập đoàn Mars, Cargill (Mỹ).
Thời gian đầu, diện tích ca cao trồng xen trong vườn dừa, điều, cây ăn trái... ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đông Nam bộ, Tây Nguyên phát triển đều, diện tích trên 20.000ha, với 5.000 tấn hạt ca cao hàng hóa. Khi triển khai, ưu tiên các hộ nghèo và người dân tộc trồng 150 - 200 cây ca cao/hộ với mong muốn là “vốn mồi”, người dân sẽ tiếp tục trồng thêm, nhưng thực tế không như kỳ vọng. Cuối năm 2012, khi giá ca cao giảm còn khoảng 35.000 đồng/kg so với mức khá ổn định trước đó là 45.000 đồng/kg, những bất cập lộ ra, xuất hiện tình trạng bỏ mặc hay chặt bỏ cây ca cao ít trái, trên dưới 1kg hạt khô/cây. Đến cuối năm 2013, Bến Tre còn 5.200ha, giảm gần 50% diện tích. Với tỉnh Đắk Lắk, diện tích ca cao dù không biến động mạnh, khoảng 1.900ha, nhưng chất lượng vườn cây giảm xuống. Nông dân chạy theo trồng những cây có giá trên thị trường, ít quan tâm đất có phù hợp hay không. Bộ phận nông dân chăm sóc không đúng quy trình, thiếu nguồn nước, chăm sóc không thường xuyên nên chậm phát hiện bệnh thối trái, bọ xít, muỗi để xử lý, càng làm thiệt hại vườn cây.
Bác Nguyễn Văn Túy (trái) và Trần Văn Em (giữa) trao đổi về kỹ thuật trồng cây ca cao.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết, cây ca cao hầu hết trồng ở vùng sâu, đất xấu, nông dân đa số là hộ nghèo, trong khi đây là cây công nghiệp lâu năm, phải được đầu tư và thâm canh ngay từ đầu mới hiệu quả. Một số địa phương chưa thực sự xem ca cao là cây trồng chính. Kiến thức, kỹ thuật và thông tin là những hạn chế khác, diện tích thu hoạch chưa nhiều, hiệu quả mang lại không như mong muốn nên nông dân do dự. Đội ngũ khuyến nông có kỹ thuật chuyên sâu cây ca cao còn mỏng và yếu, địa bàn lại rộng và xa.
Chậm nhưng bền vững
Trong lúc dư luận dao động với tính hiệu quả của cây ca cao, nhưng thực tế cũng có nhiều hộ sống khỏe, thậm chí “đổi đời” từ cây ca cao. Ông Nguyễn Văn Túy, ấp Phú Hòa, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre được ví là “siêu mẫu” về mô hình ca cao hiệu quả, không chỉ về năng suất mang lại mà cả tính sáng tạo khi nghĩ ra cách sử dụng tấm bạt trải quanh gốc vào mùa mưa ngừa bệnh thối trái. Chỉ trồng xen dừa với 300 gốc ca cao trên diện tích 0,8ha, năm 2013 ông Túy thu được 14,6 tấn trái tươi, năm nay, do mùa vụ chưa chấm dứt, nhưng chắc chắn cao hơn năm rồi nhờ kỹ thuật chăm sóc và kinh nghiệm hoàn thiện hơn. Bình quân 10kg trái tươi bằng 1kg hạt khô, mỗi cây ca cao của ông Túy năm rồi đạt gần 5kg hạt ca cao, trong khi chỉ cần 2kg/cây là hiệu quả. Trên 0,8ha dừa và ca cao mang lại cho ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Với kỹ thuật tỉa cành “mát tay”, nhiều người trong tổ hợp tác nhờ ông tỉa cành và chỉ dẫn cách chăm sóc nên chỉ mùa sau đã hiệu quả, như ông Trần Văn Em, cũng ở ấp Phú Hòa, trồng 400 gốc mới thu hoạch được 100 cây, khi kỹ thuật chưa có chỉ thu 30kg trái tươi/tuần (vụ trước) nhưng vụ này hơn 100kg trái tươi/tuần. Ở Bến Tre còn có hộ Đặng Văn Phốp, Diệp Kinh Luân trồng xen ca cao với sầu riêng ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách cũng đạt 5kg/cây/năm.
Ông Hứa Văn nghiệp, thôn 4, xã Ear Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, với 1ha điều ông trồng xen 800 gốc ca cao. Năm 2013, thu hoạch 1,5 tấn hạt khô, năm nay khoảng 2 tấn, thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Cây điều nhờ “ăn” phân bón cho ca cao nên cũng giúp năng suất tăng lên 1 tấn, thu được 20 triệu đồng thay vì chỉ vài tạ/ha. Cây trồng “phụ” cho thu nhập 4 lần cây trồng chính. Theo chị H’Bim K’Rông (buôn Bhôk, xã Yang Tao, huyện Lăk, dân tộc M’Nông), cây ca cao đã làm thay đổi cuộc sống gia đình. Trước đây trồng bắp, điều năng suất thấp, không đủ ăn. Nhờ ca cao mà gia đình chị mua sắm nhiều tiện nghi trong nhà, được đi đây đó, trở thành người uy tín trong buôn làng… Với 1ha trồng thuần 1.200 cây ca cao từ năm 2007 đến 2010, hiện nay đã cho hơn 3kg hạt khô/cây, vượt xa thu nhập từ cây bắp lai khi giá bắp chỉ còn hơn 3.000 đồng/kg, trong khi với ca cao được hơn 5.000đồng/kg tươi. Không chỉ trồng, nhà chị H’Bim còn trở thành điểm thu mua, sơ chế, cũng là nơi cung cấp dịch vụ giống, phân bón cho bà con xung quanh, là hạt nhân cho việc mở rộng diện tích xung quanh.
Ông Huỳnh Quốc Thích cho rằng, điều cần khắc phục là chỉ trồng ca cao ở nơi có nguồn nước, giống phù hợp, người có vốn hay với doanh nghiệp có năng lực quản lý đối với ca cao trồng thuần trên đất cà phê già cỗi. Hình thành các điểm dịch vụ (CVC) cây giống, cung cấp vật tư và tư vấn kỹ thuật dựa trên các điển hình ca cao để mở rộng dần diện tích. Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, kinh nghiệm cho thấy, không vội vã, không áp đặt con số khi triển khai. Giai đoạn hiện nay không phát triển diện tích mới mà phải chủ yếu củng cố lại diện tích đã có với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng hạt ca cao, qua đó củng cố lại niềm tin những người còn đang đắn đo. Tập hợp nông dân thành từng nhóm sản xuất, câu lạc bộ, tổ hợp tác tập huấn và đầu tư kỹ thuật theo từng nhóm, trang bị kiến thức quản lý nhóm. Cùng địa phương khảo sát, quy hoạch vùng trồng ca cao trên cơ sở vườn cây ổn định, hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh.
CÔNG PHIÊN