Để dân tin

Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng (PCTN) và Thanh tra TPHCM vừa thông qua kết luận thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật PCTN tại các sở ngành, quận huyện. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng nể nang nhau, chưa thấy rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị có sai phạm. Trong đó, khâu yếu nhất vẫn là tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ bởi hầu hết những vụ được phát hiện có “mùi”, đều là từ đơn thư tố cáo của người dân.

Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng (PCTN) và Thanh tra TPHCM vừa thông qua kết luận thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật PCTN tại các sở ngành, quận huyện. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng nể nang nhau, chưa thấy rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị có sai phạm. Trong đó, khâu yếu nhất vẫn là tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ bởi hầu hết những vụ được phát hiện có “mùi”, đều là từ đơn thư tố cáo của người dân.

Đơn cử như ở huyện Cần Giờ, đã có hàng loạt những vụ việc tiêu cực được phanh phui từ đơn thư tố cáo của người dân. Có trường hợp qua đơn thư tố cáo của người dân, huyện kịp thời phát hiện cán bộ các xã cấp đất không đúng đối tượng hơn 63.000m² đất. Hay như vụ việc ông Trần Văn Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Thôn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng xét cấp đất xã Tam Thôn Hiệp đã lợi dụng quyền để vận động cấp đất cho… 3 người thân và 5 cán bộ xã không đúng quy định với tổng diện tích hơn 25.700m² đất ở, đất nông nghiệp, cũng từ sự phát hiện của người dân.

Theo chính một cán bộ lãnh đạo của UBND huyện Cần Giờ, việc phát hiện tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trên địa bàn thời gian qua chủ yếu vẫn “nhờ” dân mà có. Việc tự phát hiện sai phạm từ cơ quan, đơn vị thông qua hệ thống chính trị để đấu tranh xây dựng nội bộ hầu như rất ít.

Ở đây, trước tiên cần phải bàn đến trách nhiệm của người đứng đầu. Tại sao đơn vị có xảy ra vụ việc tiêu cực mà lãnh đạo lại “vô tư” cho rằng không biết hoặc “để tôi kiểm tra lại” (?!). Ngoài ra, vai trò của tổ chức Đảng tại đơn vị cũng cần được bàn tới khi công tác tự phát hiện tham nhũng, sai phạm tại đơn vị chưa được quan tâm sâu sát.

Một vài đơn vị chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra PCTN, chưa đề ra chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm nhằm phòng ngừa tiêu cực, phát hiện tham nhũng, nhất là ở những đơn vị quản lý tài chính, sản xuất kinh doanh, có giao dịch tiền hàng lớn, đơn vị quản lý nhà nước có thẩm quyền liên quan quản lý đô thị, quy hoạch, xây dựng. Do đó, tình hình tham nhũng, lãng phí ở một vài đơn vị vẫn còn phức tạp, một số vụ việc do không được phát hiện từ đầu dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng.

Nói như vậy để thấy rõ, sai phạm tại những đơn vị hoàn toàn có thể được phát hiện sớm nếu tổ chức Đảng hay người đứng đầu đơn vị hoàn thành công việc đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Không thể mãi trông chờ vào sự phát hiện tiêu cực từ người dân, bởi nếu thế, vô hình trung, chính người dân cũng mất dần niềm tin vào người lãnh đạo, vào tổ chức Đảng…

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục