Ngại xa, sợ khó

Học nghề, lập nghiệp được xác định là quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nữ. Để giúp phụ nữ chủ động tham gia học nghề, cách đây hơn 1 năm, Thủ tướng phê duyệt đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015 (gọi tắt Đề án 295), với mục tiêu tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ.

Theo đó, mỗi năm sẽ giới thiệu việc làm và tạo việc làm cho khoảng 100.000 phụ nữ, trong đó khoảng 50.000 lao động nữ được đào tạo nghề. Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ lao động nữ trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề đạt 40%; tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%... Đối tượng của đề án này là lao động nữ trong độ tuổi lao động, được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa; hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày/người... Lao động nữ làm việc ổn định tại chỗ (nơi cư trú) sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay học nghề.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay lao động nữ vẫn chưa mặn mà với đề Đề án 295. Vì sao? Trước hết phải nói đến công tác tuyên truyền chưa sâu rộng. Nhiều phụ nữ khi được hỏi về đề án này đều lắc đầu: “Không biết!”. Bên cạnh đó, xuất hiện tâm lý ngại xa nhà, sợ tốn kém, học xong khó sống được với nghề. Bản thân những người tham gia học nghề cũng nhận thấy mình chưa thật toàn tâm toàn ý để học nghề mặc dù được đào tạo miễn phí. Trình độ học vấn mỗi người mỗi khác nên nhận thức về việc học nghề chưa cao, chưa đồng đều…

Ngoài ra, việc hàng ngày phải mang gánh nặng lo toan chuyện gia đình cũng là nguyên nhân khiến họ chưa mặn mà với việc học nghề. Hơn nữa, hệ thống trung tâm, cơ sở dạy nghề, nhất là vùng nông thôn mới chỉ đáp ứng cho việc dạy nghề trình độ thấp, còn đối với dạy nghề trình độ cao như trung cấp nghề, cao đẳng nghề vẫn đang trong giai đoạn quá độ. Đó là chưa nói đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ hiện nay còn mạnh ai nấy làm, thiếu sự hợp tác.

Đã đến lúc cần phải xây dựng mô hình điểm về công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nữ. Bên cạnh đó là chính sách phối hợp giữa cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - người lao động. Muốn có chính sách phối hợp tốt cần có một cơ chế rõ ràng để huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho phụ nữ.

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục