Đổi mới công tác tổng kết

Vào dịp cuối năm, các cơ quan, đơn vị thường tổng kết một năm đã qua và triển khai nhiệm vụ năm tới. Tổng kết là việc làm cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra là: tổ chức thế nào cho hiệu quả để rút ra những bài học kinh nghiệm quý cho công tác chỉ đạo, điều hành được tốt hơn.

Cách làm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) khi công bố kết quả nghiên cứu xếp hạng cuối năm  (một dạng tổng kết) về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI) là khá thiết thực, bổ ích.

Kết quả xếp hạng cuối năm về năng lực cạnh tranh dựa trên cơ sở khoa học, khách quan, định lượng thông qua cách cho điểm dựa vào 9 chỉ số cấu thành PCI: chi phí gia nhập thị trường; tính năng động và tiên phong; tính minh bạch và trách nhiệm; ưu đãi doanh nghiệp nhà nước; chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đất đai và mặt bằng kinh doanh; chi phí thời gian thanh/kiểm tra; chi phí không chính thức; thực hiện chính sách Trung ương.

Theo kết quả điều tra, ngoài những “bất ngờ gây sửng sốt” thì các chuyên gia cũng dự báo sẽ có rất nhiều tác động đa chiều đến tư duy, ý thức và tâm lý cũng như hành vi của các nhà đầu tư và nhất là bộ máy công quyền các cấp.

Đây là một cách sát hạch nghiêm túc, khoa học khách quan nên có tính thuyết phục cao.

Từ cách làm này, nhiều người cho rằng, rất cần thiết kế các hệ thống đánh giá trong mọi lĩnh vực từ xây dựng chính quyền, công tác điều hành… đến phẩm chất năng lực của từng cán bộ công chức theo chiều hướng bớt dần cảm tính, hình thức, chủ quan.

Có như vậy, việc đánh giá mới thực sự có hiệu quả.

Diệp Văn Sơn

Tin cùng chuyên mục