
Con số 110 triệu cổ phiếu nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua cổ phần của VCB - trong số 97,5 triệu cổ phần đưa ra đấu giá – nói lên mức độ thận trọng của nhà đầu tư đối với phiên IPO lịch sử này. Nếu so với con số 20.368 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của Bảo Việt trước đó, thì đây là con số quá nhỏ (đăng ký mua 389.048.200 cổ phần trong số 59.440.000 cổ phần, gấp 6,5 lần).

NĐT đặt câu hỏi với ban tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào VCB tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Với số lượng đăng ký mua chỉ chênh hơn 10% so với lượng bán ra có phải nhà đầu tư cá nhân trong nước đã “cạn” tiền? Theo một thống kê được ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI) đưa ra, cho biết với lượng cổ phiếu của các doanh nghiệp phát hành thêm để tăng vốn điều lệ, ngân hàng mới thành lập… đã làm cho thị trường khan vốn.
Chỉ trong vòng hai tháng cuối năm, để mua được các loại cổ phiếu phát hành thêm với giá ưu đãi, nhà đầu tư đã phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD. Cũng theo ông Hưng, đó mới chính là nguyên nhân dẫn đến những phiên “lình xình” của thị trường thời gian gần đây. Ngay cả sau khi VCB IPO xong, thị trường có thể sẽ tiếp tục như vậy do 1 tỷ USD đã “hút” ra khỏi thị trường.
Nhận xét về khối lượng đặt mua VCB, một nhà đầu tư tại một diễn đàn chứng khoán bình luận, khối lượng đặt mua VCB thấp có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường, nếu giá trúng chỉ ở mức 110.000 đồng/cổ phần thì nó sẽ kéo giá cổ phiếu trên sàn xuống, đặc biệt là nhóm cổ phiếu các ngân hàng. Còn nếu mức giá VCB là khá hấp dẫn để đầu tư, nhiều người sẽ bán cổ phiếu trên sàn để “thu” VCB do kết quả sản xuất, kinh doanh quý I của các doanh nghiệp thường không có gì đột biến.
Tuy nhiên, trên thị trường niêm yết, sau phiên giảm đầu tuần, ngày 18 và 19-12, chỉ số hai sàn TPHCM và Hà Nội đã tăng trở lại, khối lượng giao dịch cũng đã có chiều hướng tích cực hơn. Nhận định việc thị trường “lình xình” thời gian gần đây và khởi sắc trong hai phiên ngày 18 và 19-12, một nhà đầu tư có thâm niên tại sàn Thăng Long cho rằng, từ trước đến nay, mỗi khi IPO một doanh nghiệp lớn có thương hiệu mạnh (như Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt) mặt bằng giá trên thị trường thường diễn ra không “bình thường” và trường hợp VCB cũng không phải là ngoại lệ.
Theo ông này, nguyên nhân là do các tổ chức đầu tư cả trong và ngoài nước “đè” giá trên thị trường niêm yết để làm giảm độ “hưng phấn” của nhà đầu tư nhằm mua được giá IPO VCB ở mức giá hợp lý. Bởi nếu thị trường chính thức sôi động sẽ lan sang cả IPO VCB, thì sẽ khó mua giá hấp dẫn, do nhà đầu tư cá nhân thường “hưng phấn” quá mức thường đặt giá IPO cao.
Việc “đè” giá của nhà đầu tư tổ chức thời điểm cuối năm nay cũng chỉ làm họ bớt lãi chứ không thể lỗ. Sau khi có kết quả đăng ký, thị trường có thể sôi động trở lại. “Đối với tôi, dù tham gia IPO VCB tôi cũng chỉ xem là cổ phiếu cơ hội và mua lâu dài để chờ sự đột biến trong tương lai, khi những giá trị hiện tại của doanh nghiệp này “lộ” hết. Do đó, khi đã xác định tham gia IPO VCB thì tôi chuẩn bị nguồn tài chính riêng chứ không bán các cổ phiếu khác để mua bằng được. Chẳng ai dại gì đánh đổi tất cả những gì mình đang có để mua VCB” -ông này nói.
Trong một động thái khác, sau khi kết quả đăng ký VCB được thông tin rộng rãi, trên một số diễn đàn chứng khoán đã có nhiều nhà đầu tư rao bán suất đăng ký đấu giá mua VCB với giá 15-20 triệu suất đấu giá mua 10.000 cổ phần.
Hằng Thanh