
(SGGP).- “Từ ngày 15-9, 3 nhà máy đường ở Hậu Giang sẽ đi vào hoạt động. Các nhà máy đường (NMĐ) còn lại sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 9-2008. Các nhà máy cần phấn đấu thu mua mía nguyên liệu với giá sàn 500 đồng/kg (mía 10 chữ đường). Trong đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân” – ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại, nông lâm thủy sản và nghề muối nói tại hội nghị khởi vụ ép đường 2008-2009 ĐBSCL ngày 22-8 tại Hậu Giang.

Thu hoạch mía ở huyện Đức Hòa, Long An. Ảnh: KIM NGÂN
Tại hội nghị, vấn đề các đại biểu quan tâm là tiêu thụ khoảng 200.000 tấn mía nguyên liệu sớm ở vùng mía Phụng Hiệp, Ngã Bảy (Hậu Giang). Đây cũng là tâm điểm cho vụ mía mới ở ĐBSCL.
Theo Sở NN-PTNT Hậu Giang, diện tích trồng mía của tỉnh này các năm qua có nhiều biến động: có lúc 17.000-18.000 ha nhưng có lúc xuống chỉ còn 6.000-7.000 ha do giá thu mua mía nguyên liệu bấp bênh. Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp chủ động bao tiêu, vụ mía 2008-2009, diện tích trồng mía của tỉnh đạt 15.471 ha. Sản lượng ước đạt 1 triệu tấn mía cây.
Cái khó trong vụ mía năm nay là khi nông dân đầu tư trồng mía các chi phí đầu vào ở đỉnh cao về giá, lúc bán ra thì giá mía ở mức thấp. Trong khi đó, năm nay dự báo nước lũ về sớm hơn mọi năm khoảng 20 ngày. Nếu không tiêu thụ nhanh sẽ gặp khó khăn khi nước lũ tràn về.
Theo tính toán của một số NMĐ ở ĐBSCL, giá đường RS bán buôn loại trung bình sẽ dao động ở mức 8.000 đồng/kg từ nay đến hết tháng 9-2008. Đây là mức giá thấp so với giá thành sản xuất của các NMĐ trong vùng.
Trong khi đó, đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam mỗi ngày khoảng 400-500 tấn/ngày tiếp tục tuồn về. Thậm chí sẽ cao hơn khi mùa lũ tràn về trong thời gian tới. Hiện các NMĐ trong khu vực buộc phải giải phóng đường tồn kho trong sự cạnh tranh khốc liệt về giá với đường lậu. Vấn đề được các doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương quan tâm là giải quyết nguồn vốn, lãi suất hợp lý để doanh nghiệp triển khai mua mía của nông dân.
“Việc triển khai các biện pháp phòng chống buôn lậu là cấp bách. Các doanh nghiệp chống buôn lậu tốt nhất là đừng tiếp tay với buôn lậu! Để nâng giá thu mua mía nguyên liệu có lợi cho nông dân, các doanh nghiệp cần mua trực tiếp tại rẫy mía nông dân, hạn chế thông qua trung gian; nhanh chóng hình thành các hợp tác xã tiêu thụ mía cho nông dân” - ông Lưu Phước Lượng, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh tại hội nghị. Ngoài ra tại hội nghị, các đại biểu cho rằng: cần để mía có chữ đường cao mới thu hoạch, hạn chế tạp chất; phát huy vai trò của Hiệp hội Mía đường…
C.H.Phong