Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH TƯ Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã nhấn mạnh: “Tiếp tục phát triển KH-CN nông nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến; sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo, thủy sản và sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới”. Đây là nội dung quan trọng, nhấn mạnh đến vai trò nông nghiệp của ĐBSCL. Thực tế, nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết để ĐBSCL có điểm tựa vững chắc từ phát triển KH-CN.
Nông nghiệp là trụ cột
Trong 16 năm (1996 - 2012) KH-CN đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản lượng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu lên mức gần 20 tỷ USD. Còn 8 năm nữa đến năm 2020. 8 năm, bằng 50% thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về KH-CN, ĐBSCL phải tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp gấp 1,5 lần. “Đó là mục tiêu lớn, muốn đạt được đòi hỏi phải có quyết tâm thật cao, có những giải pháp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn” - ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhận định.
Theo Bộ NN-PTNT, mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước thu về khoảng 14-16 tỷ USD. Thành tích này đã trở thành niềm tự hào của ngành nông nghiệp vì chiếm tỷ trọng khá lớn trong các nhóm hàng xuất khẩu. Năm 2011 xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục 25 tỷ USD (tăng 30,5% so với năm 2010, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu) và nông nghiệp là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu của cả nước.
Trong số 14 mặt hàng được xếp hạng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD trong năm 2011, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 5 mặt hàng (thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, gạo, cao su và cà phê), với tổng kim ngạch 19,5 tỷ USD, chiếm 46,6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước. Năm 2012, dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng các mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn đang giữ ngôi đầu bảng.
Điều đó khẳng định rằng ngay trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, nông nghiệp chính là chỗ dựa vững chắc để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Theo các nhà khoa học, đầu tư vào các ngành nông nghiệp và công nghệ chế biến thực phẩm đã tạo ra hiệu quả kích cầu mạnh hơn so với đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, khai khoáng hay dịch vụ. Theo tính toán, tăng cầu 1% trong nông nghiệp, nông thôn làm tăng GDP cả nước lên 1,2%. Đầu tư vào khu vực nông thôn có sức lan tỏa mạnh nhất.
KH-CN còn yếu kém
Dù hoạt động KH-CN có nhiều tiến bộ, góp phần giúp ĐBSCL giữ vững vai trò vùng trọng điểm sản xuất lương thực, bảo đảm an ninh lương thực cả nước, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản. Thế nhưng, theo nhận định của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, đến nay nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển chưa bền vững. Dễ nhận thấy nhất là năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng nông sản ở ĐBSCL trên thị trường còn thấp; đời sống nông dân tuy có cải thiện nhưng còn bấp bênh.
Nhiều nguồn tài nguyên, nhất là nguồn nước ngọt, nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt; tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, phèn hóa cục bộ, mưa lũ, hạn hán… ngày càng gia tăng, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp; mức độ cơ giới hóa nông nghiệp còn thấp, manh mún, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất và chất lượng chưa cao.
Việc áp dụng tiến bộ KH-CN vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Cơ chế chính sách tài chính nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu khuyến khích đưa tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống.
PGS-TS. Phương Ngọc Thạc, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM, cho rằng: Một số địa phương quá chú trọng về tăng sản lượng nông sản. Sử dụng hóa chất và công nghệ hiện đại để tăng sản lượng đưa đến chất lượng nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm xuống cấp, làm tăng nhập siêu. Cạnh tranh không lành mạnh. Trong nước luôn diễn ra tình trạng tranh mua với nhau, ép giá nông dân khiến giá nông sản luôn biến động, làm chính doanh nghiệp và nông dân đều gặp khó.
Cụ thể, xuất khẩu nông sản nhiều, nhưng nông dân làm ra hạt gạo chưa được hưởng lợi xứng đáng. Trong chuỗi giá trị làm nên hạt gạo, người nông dân làm trên 50% khối lượng công việc, giới kinh doanh gạo chỉ làm 10%, nhưng lại được hưởng tới 67% giá trị tăng thêm (xuất khẩu gạo đem về hơn 1 tỷ USD, chỉ có 15% số tiền này đến tay nông dân, còn lại các đại gia và cấp trung gian thâu tóm).
Việt Nam đang chạy theo số lượng xuất khẩu gạo nhưng quên mất lợi ích của việc xuất khẩu gạo và lợi ích của người nông dân. Mặc dù sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu tăng nhanh, thu nhập hộ nông dân không tăng theo tương xứng.
Bức xúc về vấn đề này, PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, chỉ ra những tồn tại của nghiên cứu KH-CN ở ĐBSCL: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay còn nhiều hạn chế. ĐBSCL chưa quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa, công nghiệp chế biến chưa phát triển, năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa vẫn yếu…
Bên cạnh đó, vấn đề tiêu thụ hàng hóa của nông dân hiện nay ở các tỉnh của ĐBSCL vẫn đang gặp nhiều khó khăn (được mùa, rớt giá). Điều này có thể do các đề tài KH-CN hiện tại chỉ tập trung giải quyết từng mảng mà chưa liên kết toàn bộ vấn đề; giải quyết từng thành phần kỹ thuật đơn lẻ không bao gồm toàn bộ tiến trình, gói kỹ thuật; chú ý nhiều yếu tố kỹ thuật mà bỏ qua yếu tố xã hội và nhân văn; hoặc nghiên cứu các đề tài kỹ thuật tách rời đề tài kinh tế, xã hội và nhân văn. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều đề tài, công trình KH-CN ứng dụng kém, nghiên cứu xong cất vào tủ…
“Cần đầu tư sâu vào KH-CN vùng ĐBSCL, tìm ra biện pháp, cách thức để nhanh chóng đưa những thành tựu KH-CN hiện đại, tiên tiến vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và các hoạt động kinh tế; thu hút được những nhà đầu tư có thực lực mạnh, quy mô lớn với trang thiết bị hàm lượng công nghệ cao, tạo ra sự tổng hợp giá trị gia tăng kinh tế, xã hội tối ưu. Nếu chúng ta chưa giải quyết được đồng thời những trăn trở ấy, có lẽ ĐBSCL còn lâu mới thoát khỏi tụt hậu và cầm chắc trong tay cái nghèo” Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Huỳnh Minh Đoàn |
CAO PHONG