Để không còn thịt heo bẩn trên các quầy kệ

Ngày 15-8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký, phê duyệt Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thuộc Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy, sau nhiều năm xây dựng, triển khai thí điểm ở một số đơn vị, đến nay đề án đã được UBND TPHCM chấp thuận, sẽ được triển khai rộng rãi. Với cách làm này, TPHCM có cơ sở để thanh trừ thịt heo bẩn ra khỏi quầy kệ.
Để không còn thịt heo bẩn trên các quầy kệ

Ngày 15-8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký, phê duyệt Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thuộc Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy, sau nhiều năm xây dựng, triển khai thí điểm ở một số đơn vị, đến nay đề án đã được UBND TPHCM chấp thuận, sẽ được triển khai rộng rãi. Với cách làm này, TPHCM có cơ sở để thanh trừ thịt heo bẩn ra khỏi quầy kệ.

Xẻ thịt heo nuôi theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm tại Công ty Vissan cung ứng thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Giải pháp căn cơ

Thịt heo là một trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân thành phố. Tuy nhiên, gần đây, thịt heo lại là một trong những sản phẩm bị mang nhiều tiếng xấu vì người chăn nuôi sử dụng quá nhiều loại hóa chất, thuốc độc hại bị cấm hoặc hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý cũng đã có nhiều nỗ lực đề ra giải pháp khắc phục nhưng kết quả đạt được còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, TPHCM đã tiến hành xây dựng Dự án Mô hình Chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TPHCM, dự kiến triển khai tại 2 chợ là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành, trong đó các sở, ngành chức năng thống nhất chọn ngành hàng kinh doanh thịt heo và rau củ quả làm thí điểm. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế hoạt động kinh doanh thịt heo tại 2 chợ cho thấy, về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Riêng đối với vấn đề kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc thịt còn chưa có quy trình chặt chẽ, đặc biệt sau thời điểm 1-7-2016 khi Luật Thú y có hiệu lực, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy kiểm dịch thú y nội tỉnh, việc kiểm soát khó khăn hơn. Việc phát hiện vi phạm, truy xuất nguồn gốc, quy trách nhiệm cũng rất khó thực hiện. Do đó, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc Dự án Mô hình Chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM được xem là giải pháp căn cơ và thiết thực để giải quyết vấn đề.

Mục tiêu của đề án là xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP đối với ngành hàng thịt heo để triển khai Dự án Mô hình Chợ thí điểm bảo đảm ATTP trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020; tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và kinh doanh trên địa bàn thành phố; đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp (DN), người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo VietGAP, thịt heo an toàn; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm; giảm thiểu các thủ tục hành chính, kiểm dịch thú y, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý.

Cần sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị chức năng

 

* Quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại là một giải pháp đảm bảo ATTP đối với ngành hàng thịt heo. Theo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, con heo xuất chuồng tại trang trại được đeo vòng nhận diện có mã QR (mã vạch hai chiều) sẽ chứa thông tin về từ trang trại nuôi cho đến các công đoạn sau đó. Ở công đoạn cuối cùng, trước khi bán lẻ, tiểu thương dán tem điện tử lên vòng nhận diện giúp người tiêu dùng, cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất nguồn gốc qua ứng dụng miễn phí TE-FOOD trên smartphone, máy kiểm tra tại chợ hay trên web www.te-food.com

 

Tại Quyết định số 4199 của UBND TPHCM cũng phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị, trong đó cơ quan quản lý đề án là UBND TPHCM; đơn vị chủ trì thực hiện đề án là Sở Công thương TPHCM; các đơn vị phối hợp là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Hội Công nghệ cao TPHCM. Chủ thể thực hiện là các DN, hợp tác xã, hộ gia đình chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận; các cơ sở giết mổ gia súc; cá nhân, tổ chức thu mua, vận chuyển, kinh doanh heo, thương nhân kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối; DN kinh doanh chợ; ban quản lý chợ; tiểu thương kinh doanh tại các chợ lẻ và DN kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm tươi sống.

Theo kế hoạch, đề án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo từ cổng trang trại đến người tiêu dùng nhằm đảm bảo ATTP đối với thịt heo từ khi heo được xuất khỏi trang trại qua giai đoạn giết mổ, vận chuyển, kinh doanh tại chợ đầu mối đến các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ lẻ và người tiêu dùng. Giai đoạn 2 là kiểm soát từ khi heo được sinh ra đến khi xuất chuồng (kiểm soát vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống, thuốc tiêm chủng, chữa bệnh, kiểm dịch vệ sinh thú y…).

Thời gian khảo sát, vận hành thử nghiệm hệ thống quản lý thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin từ tháng 8-2016 đến tháng 2-2017. Thời gian chính thức hoạt động hệ thống quản lý thịt heo từ tháng 3-2017. Các đối tượng tham gia có trách nhiệm đăng ký tham gia với Sở Công thương, kê khai năng lực chăn nuôi, sản xuất, khả năng cung ứng, phân phối và cam kết cung ứng đúng, đủ số lượng, đúng chủng loại hàng hóa đã đăng ký, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm. Sở sẽ ưu tiên xét chọn những đối tượng có năng lực, kinh nghiệm, có thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực hoạt động, tích cực đăng ký tham gia và chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của đề án.

Về quyền lợi của các đối tượng tham gia sẽ được các sở, ngành ưu tiên giới thiệu, kết nối cung cấp sản phẩm vào các hệ thống phân phối, các bếp ăn tập thể trong bệnh viện, trường học, các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành trong Chương trình Hợp tác thương mại với thành phố. Nguồn kinh phí để thực hiện đề án được xác định từ nguồn vốn đóng góp của DN, hộ kinh doanh, vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác, chủ yếu là nguồn viện trợ, tài trợ trong nước, ngoài nước, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất ban đầu và giai đoạn vận hành thử nghiệm.

Mặt khác, các DN cũng được nhà nước hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn sử dụng giải pháp quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc heo và thịt heo. Được chứng nhận và cho phép treo băng rôn, bảng hiệu quảng bá là đối tượng tham gia đề án tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ công bố thông tin quảng bá, địa chỉ kinh doanh trên báo, đài, trên trang web của thành phố, các sở - ngành, hội, đoàn, quận - huyện… để người tiêu dùng biết, nhận diện và lựa chọn, mua sắm.

Là người chủ công thực hiện, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sẽ có 3 tháng chuẩn bị để chạy thử đề án vào đầu tháng 11-2016 tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, 5 chợ lẻ là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông. Đến đầu năm 2017, việc quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được áp dụng đại trà. Để phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân thành phố, bước đầu triển khai thực hiện giai đoạn 1, tập trung quản lý chất lượng thịt heo từ khi xuất chuồng đến cơ sở giết, chợ đầu mối, chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm và người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa, con heo từ khi xuất chuồng đến lúc bán cho người tiêu dùng sẽ qua 4 giai đoạn, với rất nhiều chủ thể tham gia. Do vậy, để đạt hiệu quả như mong muốn, rất cần sự vào cuộc, hợp tác giữa các cơ quan quản lý gồm Sở Công thương, các sở, ngành liên quan, UBND các quận - huyện, ban quản lý các chợ. Trong đó, ban quản lý chợ có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, không để xảy ra tình trạng người bán pha trộn thịt heo chưa được kiểm soát với thịt heo trong đề án.

THÁI NGUYỆT


TPHCM tự cung ứng 15% sản lượng heo tiêu thụ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, thành phố hiện có khoảng 7.500 hộ chăn nuôi heo bao gồm hộ dân, doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX), cung cấp khoảng 1.000 con heo mỗi ngày, chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ của thành phố. Để tăng năng suất và nâng cao chất lượng thịt, đa số DN và hộ nuôi trong và ngoài thành phố đã dần nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, chuyển dần sang chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Qua đó, chuồng trại được đầu tư, nâng cấp, sử dụng hệ thống chuồng khép kín, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ; xử lý chất thải được thực hiện tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường và tận dụng khí biogas; sản phẩm con giống xuất ra có thẻ truy xuất nguồn gốc…

Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố có 18 cơ sở giết mổ gia súc tập trung với công suất hàng đêm khoảng 7.550 con heo. Theo Quyết định số 2032 của UBND TPHCM ban hành ngày 25-4-2016 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, đến năm 2017, TPHCM sẽ chỉ còn 6 cơ sở giết mổ gia súc công nghiệp. Cụ thể, Nhà máy giết mổ ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn của Công ty CPCBTP Hóc Môn, công suất giết mổ 2.000 con/ngày; Nhà máy CBTP Tân Hiệp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn của HTX Tân Hiệp, công suất giết mổ 2.000 con/ngày; Nhà máy giết mổ gia súc ở xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, công suất giết mổ 2.000 con/ngày; Nhà máy giết mổ gia súc tại ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, công suất giết mổ 3.000 con/ngày; Nhà máy giết mổ gia súc tại đường Võ Văn Bích, ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi của Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An, công suất giết mổ 2.000 con/ngày; Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp tại xã Phước Thạnh của Công ty Cổ phần Nhị Tân, công suất giết mổ 1.000 con/ngày.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Vissan sẽ đưa vào hoạt động Nhà máy giết mổ heo tại Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, công suất giết mổ 2.500 - 4.000 con/ngày.

Về phân phối thịt heo, hiện nay TPHCM có 3 hệ thống chính phân phối thịt heo gồm hệ thống chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền, cung cấp 70% - 80% nhu cầu thịt hàng ngày của thành phố, chủ yếu phân phối cho các chợ bán lẻ; hệ thống chợ bán lẻ có 240 chợ, nguồn thịt chủ yếu lấy từ 2 chợ đầu mối. Phương tiện vận chuyển bằng xe máy có trang bị thùng chứa bằng inox, có nắp kín. Hệ thống phân phối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện chỉ cung cấp khoảng 5% sản lượng tiêu thụ của thành phố và đã thể hiện được tính vượt trội về việc đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm so với các chợ bán lẻ, mặc dù giá cả cao hơn. Thịt heo được bán ở đây có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, được nhập từ các cơ sở chính thức hoặc nhập khẩu. Các phương tiện vận chuyển hoặc quầy bán hàng được trang bị hệ thống bảo ôn, đảm bảo cho thịt luôn luôn tươi sống, không bị mất phẩm chất. Có thể nói, đây là hệ thống kinh doanh hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và được người tiêu dùng tín nhiệm.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng ngày các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố tiếp nhận một lượng lớn heo hơi từ các địa phương khác, chiếm khoảng 90% tổng lượng giết mổ. Trong khi đó, công tác phối hợp quản lý giữa Chi cục Thú y thành phố và các tỉnh chưa chặt chẽ. Hiện các trạm kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ thành phố còn hạn chế về con người và phương tiện kỹ thuật để kiểm soát chất lượng heo lưu thông vào nội thành, quá trình kiểm dịch vệ sinh thú y mang tính thủ công, đơn giản và càng khó khăn hơn sau khi Luật Thú y có hiệu lực.

NGUYỄN DU

Tin cùng chuyên mục