Để không “giao trứng cho ác”

Nghề nuôi cá sấu: Trồi, sụt thất thường!
Để không “giao trứng cho ác”

Giá cá sấu hiện nay giảm xuống còn 60.000 - 70.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015 trên 200.000 đồng/kg. Đây là hệ quả của việc “giao trứng cho ác” khi lệ thuộc 99,6% vào thị trường Trung Quốc.

Nghề nuôi cá sấu: Trồi, sụt thất thường!

Đó là nhận định của ông Tôn Thất Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cá sấu Hoa Cà, Phó Chủ tịch Làng nghề Cá sấu Sài Gòn - một trong những người nuôi và lập công ty kinh doanh cá sấu đầu tiên cả nước. Nghề nuôi cá sấu ở Việt Nam hình thành và phát triển đã trên 30 năm. Nhiều lúc người nuôi lãi lớn, nhưng cũng có người lỗ thảm hại, do giá cá sấu lên, xuống thất thường và cứ lặp đi lặp lại. Theo ông Tôn Thất Hưng, việc nuôi và phát triển cá sấu trong nước có 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu (1987-1997) ít người nuôi nên lãi khủng. Giá cá sấu tính bằng vàng, từ 2 chỉ lên 3 chỉ/con; đỉnh điểm 5 chỉ/con (năm 1989-1990). Sấu choai giá tính bằng tấc (10cm), sấu 1 tuổi dài 9 tấc giá 9 chỉ vàng. Bắt đầu xuất hiện một số trại nuôi sấu các tỉnh miền Tây. Từ sau năm 1992 đến 1996, giá sấu con giảm dần và về gần giá trị thật, khoảng 30USD/con. Năm 1997, do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế chung của châu Á, giá cá sấu rớt nhanh, nhiều trại nuôi đóng cửa.

Nên tăng cường chế biến da cá sấu thành nhiều sản phẩm cho tiêu dùng, thay vì chỉ xuất thô nguyên con. Ảnh: PHIÊU NHIÊN

Giai đoạn sau khủng hoảng đến năm 2007, thị trường tiêu thụ sản phẩm cá sấu trong nước và Trung Quốc hình thành. Giá cá sấu tăng dần, sấu con giá khoảng 1 triệu đồng/con, sấu thịt khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg. Nghề nuôi sấu phát triển trở lại. Do có vốn từ các “đại gia” nên xuất hiện những trại nuôi số lượng khá lớn. Số hộ nông dân nuôi nhỏ cũng nhiều thêm. Lượng cá sấu nuôi tăng mạnh, thị trường bắt đầu cạnh tranh gay gắt. Người buôn nông sản qua Trung Quốc giới thiệu thêm mặt hàng cá sấu, vì người dân Trung Quốc coi cá sấu là đặc sản quý dùng làm thuốc. Lúc đó, thương nhân Trung Quốc giao các đầu mối cho người Việt thu mua, do chưa rành thị trường Việt. Bắt đầu xuất hiện tình trạng cạnh tranh ép giá lẫn nhau giữa các đầu mối và giữa đầu mối với nông dân. Giá cá sấu giai đoạn này trồi, sụt khá lớn, không do cung cầu mà do giai đoạn thu mua. Lượng cá sấu thịt tăng dần. Đến năm 2006-2007 đạt trên 300.000 con nên giá cá sấu lại rớt thảm hại, còn 60.000 đồng/kg. Giá cả cá sấu trồi sụt thất thường do cạnh tranh kiểu “gà nhà đá nhau”.

Giai đoạn 2007-2016, thương nhân nước ngoài mua cá sấu hay sản phẩm từ cá sấu trực tiếp vào Việt Nam, đến từng hộ nông dân nuôi, hay doanh nghiệp nhỏ để mua. Từ đó, thương nhân nước ngoài chủ động kiểm soát và khống chế giá cá sấu. Năm 2014, vào lúc cuối mùa, họ săn lùng, đẩy giá lên cao chưa từng thấy: 230.000 đồng/kg sấu loại 3. Các trại nuôi mới và cũ tăng nhanh lượng nuôi. Hậu quả, cuối năm 2015, giá chỉ còn 70.000 - 80.000 đồng/kg, hiện tại giá 60.000 - 70.000 đồng/kg. Đây là đợt biến động giá cá sấu nhanh và mạnh nhất thời gian qua. Giai đoạn này, người nuôi và đầu mối thu mua trong nước mất hết thế chủ động do “trứng đã giao cho ác”.

Nâng cao giá trị từ sản phẩm cá sấu

Như vậy, do không định hướng, không đầu tư khoa học kỹ thuật chế biến sản phẩm, hầu như chỉ bán nguyên liệu thô, đặc biệt là không có hợp tác sản xuất, liên kết kinh doanh, ngược lại cạnh tranh theo kiểu “gà nhà đá nhau” là những nguyên nhân chính đưa đến tình trạng thăng trầm nghề cá sấu trong nước. Vậy tình trạng này có cách nào giải quyết được không? Đại diện cơ quan Cites (Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) phía Nam khuyến cáo, thay vì chỉ bán nguyên con sống sang Trung Quốc nên tính đến việc xuất da muối cho các nước, hay bán da cá sấu thuộc theo yêu cầu khách hàng, hoặc đi sâu vào việc chế biến làm các mặt hàng như ví, bóp, giày, mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ da cá sấu và chế biến thịt làm các món ăn, làm cao xương trị bệnh xương thủy tinh, loãng xương (như Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà). Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Ngô Võ, cho biết hiện có không ít doanh nghiệp (DN) nhập da cá sấu, da trăn để may túi xách, bóp xuất khẩu. TP cần làm việc với khu chế xuất và khu công nghiệp để cung cấp nguồn nguyên liệu này.

Về lâu dài, theo ông  Trần Văn Nga, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi - kinh doanh cá sấu Tồn Phát, phải có thị trường tiêu thụ ổn định để không bị lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Liên kết với nhau để tạo giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản phẩm cá sấu từ khâu nuôi, giết mổ, chế biển, phân phối đến tiêu dùng. Xúc tiến trở lại việc thành lập Hiệp hội Cá sấu Việt Nam, làm cầu nối giữa các DN, cơ sở nuôi với chính quyền các cấp, đại diện cho quyền lợi DN, hỗ trợ DN nâng cao chất lượng các sản phẩm cá sấu, mở rộng quan hệ kinh doanh, thu thập và cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến cá sấu. Hiệp hội duy trì đối thoại với  cơ quan quản lý các cấp, phản ánh kịp thời những vướng mắc trong cơ chế chính sách. Nhưng điều quan trọng là có chiến lược xây dựng thương hiệu xuất phát từ mục tiêu trước mắt và lâu dài của nghề nuôi cá sấu. Thương hiệu cá sấu sẽ giúp tăng dần năng lực cạnh tranh trên thương trường, làm gia tăng giá trị, thu hút khách hàng, tạo nội lực cho DN, tạo lực hấp dẫn các đối tác, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, bán được nhiều sản phẩm, tăng sự tin tưởng của khách hàng, dễ vượt qua các rủi ro phát sinh trong kinh doanh. Các nhà khoa học giúp nghiên cứu công nghệ nuôi cá sấu lấy da chất lượng cao, công nghệ thuộc da cá sấu đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới và chuyển giao cho DN, cơ sở nuôi… Theo tiến trình giảm thuế mà nước ta cam kết thực hiện khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là với Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC, ngành nuôi cá sấu trong nước sẽ còn đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn thời gian tới. Các sản phẩm cá sấu trong khu vực như Thái Lan, Campuchia… sẽ vào Việt Nam. Nếu không liên kết, không có chiến lược xây dựng thương hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cá sấu thì các sản phẩm trong nước sẽ còn bị ảnh hưởng và chịu sự cạnh tranh gay gắt.

Lãng phí nguồn thực phẩm bổ dưỡng

Nghề nuôi cá sấu đã mang lại lợi ích kinh tế cho TPHCM và nhiều tỉnh, thành nhiều năm qua nhờ có điều kiện khí hậu, địa hình thuận lợi. Từ việc gây nuôi và kinh doanh cá sấu nguyên con, hiện nay một bộ phận đã tiến tới việc cung ứng nguyên liệu cho ngành thuộc da hay chế biến, làm hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng giá trị của cá sấu không dừng lại ở tấm da, nhiều nước còn dùng thịt làm thực phẩm, mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn và phát triển mạnh ở các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc.

Có thể nói, chúng ta đang lãng phí nguồn thực phẩm tươi sống giàu dinh dưỡng. Thịt cá sấu có màu trắng hồng, mềm, ít béo và có mùi thơm tự nhiên, là món ăn bổ dưỡng cho mọi người, mọi lứa tuổi. Thịt cá sấu với hàm lượng protein cao, là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Y khoa QJM của Đại học Oxford (Anh), thịt cá sấu có chứa dược chất chữa được bệnh hen suyễn, các món ăn chế biến từ thịt cá sấu có tác dụng lọc máu giải độc, tăng cường sức khỏe. Nghiên cứu của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho thấy, thịt cá sấu chứa đến 17 loại acid amin, trong đó có 7 loại mà cơ thể người không thể tự tổng hợp, đó là: threonine, methionine, isoleucine, leucine, phenilalanine, lysine HCL, histidine… Nhưng những thông tin này người tiêu dùng chưa biết, nên thịt cá sấu chưa được đón nhận là nguồn thực phẩm nhiều dinh dưỡng như các loại thực phẩm khác. Việc chế biến thịt cá sấu bán trên thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn, mức tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị chưa nhiều so với khả năng cung ứng. Đó còn là do người nội trợ chưa biết cách chế biến các món ăn từ  thịt cá sấu. Việc quảng bá giá trị dinh dưỡng và tác dụng của thịt cá sấu với sức khỏe con người chưa được cơ sở nuôi lẫn hệ thống các nhà phân phối quan tâm. Ngay cả việc quản lý, kiểm soát thịt cá sấu chưa được chú ý, trong việc ngăn chặn thịt cá sấu từ những cơ sở giết mổ không đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, bày bán công khai với giá rẻ bèo trên các trục đường vào TP.

Để tránh phụ thuộc vào một thị trường, bên cạnh việc xúc tiến thương mại các thị trường mới, bản thân các doanh nghiệp cần phối hợp cùng nhà phân phối tăng cường việc tiếp thị sản phẩm ngay tại thị trường trong nước nhằm tận dụng hết các giá trị của cá sấu mang lại, trong đó có việc phổ biến rộng rãi đến người tiêu dùng biết về giá trị dinh dưỡng và tác dụng của nguồn thực phẩm thịt cá sấu, như việc biên soạn cẩm nang chế biến món ăn từ thịt cá sấu, tổ chức thi chế biến món ăn từ thịt cá sấu. Liên kết với các nhà hàng, các quán ăn, trường học… đưa vào thực đơn các món ăn chế biến từ thịt cá sấu thường xuyên hơn. Điều đáng chú ý, hiện nay nhiều cơ sở đã nghiên cứu sản xuất thành công cao xương cá sấu có tác dụng hỗ trợ trong điều trị bệnh xương thủy tinh hoặc phòng bệnh loãng xương cho người lớn tuổi. Khoảng 10 năm qua, Công ty Cá sấu Hoa Cà đã phối hợp với Bệnh viện Y học dân tộc TP và Trường Đại học Y Dược trong việc sử dụng cao xương cá sấu trị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh của trẻ em, với kết quả bất ngờ và đã được trình bày trên diễn đàn về bệnh xương thủy tinh quốc tế ở Mỹ. Gần đây, cao xương cá sấu còn được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng trị bệnh loãng xương ở người lớn tuổi. Như vậy, việc đa dạng hóa sản phẩm chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cá sấu là con đường để phát triển ổn định, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nghề nuôi và chế biến cá sấu.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục