Việt Nam có 3.200km bờ biển, lẽ ra phải hướng tới xuất khẩu muối như các nước, nhưng nghịch lý hiện nay là chúng ta lại đang phải nhập khẩu muối công nghiệp. Do đó, để không còn phải phụ thuộc nhập khẩu thì phải bắt đầu từ các dự án sản xuất muối công nghiệp ở trong nước.
Nan giải cung cầu
Theo ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), để sản xuất được xút-clo cần phải có loại muối công nghiệp hàm lượng NaCl cao. Hiện nay, nhu cầu về sút-clo trong nước rất lớn, trung bình khoảng 200.000 tấn/năm.
Tới đây, nếu dự án bô xít Tân Rai đi vào hoạt động, mỗi năm cần thêm 60.000 tấn sút nữa. Trong khi hiện tại, do không chủ động được về nguồn muối công nghiệp nên hoạt động sản xuất sút gặp rất nhiều khó khăn, mới chỉ đảm bảo được khoảng 130.000 tấn/năm và còn thiếu hụt tới 70.000 tấn.
Còn theo ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), để đảm bảo đủ muối cho sản xuất hóa chất, mỗi năm cần khoảng 250.000 - 260.000 tấn muối công nghiệp, song các vựa muối công nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 23% - 25%, buộc Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương phải cho nhập muối ngoại theo hạn ngạch.
Như vậy, vấn đề mấu chốt là chúng ta không thể tự chủ được sản xuất muối công nghiệp. Đảm bảo đủ muối công nghiệp cho các doanh nghiệp hoạt động đang là vấn đề quan trọng hiện nay và để không phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, xóa sự vô lý khi Việt Nam cũng được coi là quốc gia có tiềm năng sản xuất muối, thì rõ ràng phải bắt đầu từ các dự án sản xuất muối công nghiệp.
Tập trung đầu tư công nghệ
Theo các chuyên gia, sở dĩ tiến độ các dự án và mục tiêu sản xuất muối công nghiệp của nước ta chậm là do nhiều nguyên nhân như thời tiết không thuận, tập quán sản xuất lạc hậu, các vựa muối nằm phân tán nhỏ lẻ, giao thông khó khăn… nhưng nguyên nhân chính là chưa thực sự có những dự án lớn, áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất muối hiện đại, đủ tiêu chuẩn muối công nghiệp.
Ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, ở các nước như Pháp, Ấn Độ, Australia… muối được khai thác từ trong các mỏ với trữ lượng lớn hoặc được kết tinh dài ngày nên cho chất lượng rất cao, đủ tiêu chuẩn sản xuất muối công nghiệp. Theo tiêu chuẩn sản xuất muối công nghiệp, hàm lượng NaCl phải trên 98% và chứa ít tạp chất, đảm bảo độ khô nhưng muối của Việt Nam hiện nay chỉ có hàm lượng NaCl đạt khoảng 92%, lại chứa nhiều tạp chất.
Còn theo ông Bùi Sơn Long, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ muối biển (Bộ NN-PTNT), những năm gần đây, các nhà khoa học đã đầu tư cho việc nghiên cứu công nghệ sản xuất muối sạch và muối công nghiệp ở Việt Nam.
Nhiều mô hình mới đã được sáng tạo, như công nghệ sản xuất muối sạch trên ô kết tinh phơi cát lót màng nylon, công nghệ và thiết bị rửa “muối đen” thành muối trắng, công nghệ rửa muối công nghiệp sau thu hoạch, dây chuyền thu hoạch, rửa và đánh đống muối công nghiệp bằng thủy lực không thua kém của nước ngoài. Đặc biệt là công nghệ kết tinh muối dài ngày bằng cách phủ bạt che mưa...
Tuy nhiên tới nay, việc ứng dụng ra thực tiễn không được bao nhiêu, rất ít doanh nghiệp mặn mà, mặc dù đầu tư cho cả một dây chuyền từ sản xuất đến thu hoạch và cả hệ thống rửa lọc cũng chỉ tầm 400 - 500 triệu đồng.
Để giải bài toán về khan thiếu muối công nghiệp, theo ông Phùng Hà, trước hết các doanh nghiệp sản xuất muối cần đầu tư công nghệ sản xuất chất lượng cao để cung cấp đủ nhu cầu của các nhà máy hóa chất và y tế. Bộ Công thương cũng có chủ trương mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư sản xuất muối công nghiệp tại Việt Nam.
|
Phúc Hậu