Để lại dư địa hợp lý cho doanh nghiệp nội

Chiều 6-9, tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng khung khổ pháp lý cần được điều chỉnh theo hướng rà soát lại các hình thức ưu đãi để nắn chỉnh dòng đầu tư và dành “đất” hợp lý cho các doanh nghiệp nội.
Quang cảnh cuộc tọa đàm
Quang cảnh cuộc tọa đàm

Tham gia tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Văn Thành.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và sức lan tỏa của FDI, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (dưới đây gọi tắt là NQ50) có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta trong thời kỳ mới.

Những định hướng về thu hút đầu tư trong NQ50 một mặt nhằm đón được làn sóng đầu tư mới với trình độ công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn vào các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi; mặt khác vẫn chú trọng đúng mức đến các ngành nghề đầu tư truyền thống sử dụng nhiều lao động.

“Không nên khuyến khích đồng vốn mỏng, công nghệ đơn giản, nhưng cũng cần nhớ rằng mỗi năm thị trường lao động nước ta cần thêm từ 700.000 đến 1.000.000 việc làm mới. Đặc biệt, FDI vẫn phân bố ở các khu vực đô thị là chính, ít vươn đến những vùng xa xôi. Vì thế, khung chính sách cần phải hài hòa để thúc đẩy phát triển bền vững”, ông Vũ Tiến Lộc bình luận.

Nâng tầm về năng lực quản trị và công nghệ, nâng cao mức độ quốc tế hóa cho doanh nghiệp trong nước để họ có thể làm ăn sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài là một đề nghị khác từ ông Vũ Tiến Lộc. Chủ tịch VCCI cho rằng, tới đây, khi sửa Luật Doanh nghiệp, cần đưa các hộ kinh doanh vào diện điều chỉnh của Luật và thiết kế những giải pháp hỗ trợ họ một cách thiết thực.

Chia sẻ nhiều quan điểm của Chủ tịch VCCI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhận định, NQ50 đặc biệt nhấn mạnh tính kết nối, liên thông giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. NQ50 cũng đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

“Các doanh nghiệp FDI không nghiễm nhiên có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà nhà nước ta, bằng thể chế chính sách hoàn chỉnh mới có thể thúc đẩy họ làm việc này”, ông Vũ Đại Thắng nói.

Đáng lưu ý, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, nội dung về bảo đảm an ninh quốc phòng trong hoạt động FDI không phải là vấn đề hoàn toàn mới, mà đều đã có trong các quy định hiện hành và các nước cũng đều như vậy. NQ50 chỉ nhấn mạnh yêu cầu rà soát lại các tác động của dự án trên phương diện quốc phòng an ninh, môi trường, tác động văn hóaxã hội ngay từ đầu, từ khi tiếp nhận đề nghị đầu tư.

“Cũng không chỉ các dự án mới, đầu tư trực tiếp mới cần rà soát, mà cả những dự án mua bán cổ phần cổ phiếu, thậm chí núp bóng cá nhân Việt Nam để tránh thủ tục đầu tư mới”, ông Vũ Đại Thắng khẳng định.

Nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong cấp giấy chứng nhận đầu tư, Thứ trưởng Thắng ví von: “Các địa phương nên cân nhắc xem nên trải chiếu hoa chỗ nào, thông qua bộ tiêu chí về ưu tiên thu hút đầu tư, như vậy mới mong có được dự án phù hợp”.

Cung cấp thêm thông tin về NQ50, ông Thắng cho biết, NQ đã cụ thể hóa các mục tiêu, từ vốn đăng ký đến vốn thực hiện, đã tính toán tính khả thi và tránh tình trạng khối FDI lấn át trong nước. Theo đó, tổng đầu tư FDI chỉ chiếm 20-25% tổng đầu tư xã hội, đảm bảo tính an ninh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Tương tự, lượng vốn giải ngân từ 50-60% vốn đăng ký (trên 180 tỷ USD trong tổng đăng ký 350 tỷ USD) được vị Thứ trưởng coi là tương đối phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, mặc dù “thời gian tới phải giám sát quản lý đầu tư chặt chẽ hơn”.  

Tin cùng chuyên mục