Giá cá sấu luôn trồi sụt thất thường khiến cho người nuôi luôn lo ngại. Đây là do tác động của quy luật kinh tế thị trường hay do thiếu liên kết kinh doanh?
Một đề xuất giải pháp cho nghề nuôi cá sấu
Nghề nuôi cá sấu ở Việt Nam đã hình thành và phát triển trên 30 năm. Nhiều lúc người nuôi lãi rất lớn, nhưng cũng có người lỗ thảm hại. Nguyên nhân là do giá cá sấu khi lên khi xuống thất thường. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, qua thời gian có vẻ như theo quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường, không thay đổi được. Có đúng như vậy không?
Nuôi cá sấu lấy da tại một trang trại ở TP. Châu Đốc, An Giang. Ảnh: Út Tuyết
Từ khi hình thành nghề nuôi cá sấu ở Việt Nam đến nay, thị trường này hầu như phát triển tự phát theo kiểu thấy “người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào”, không định hướng, không đầu tư khoa học kỹ thuật chế biến sản phẩm, hầu như chỉ bán nguyên liệu thô, đặc biệt là không có hợp tác sản xuất, liên kết kinh doanh, mà ngược lại cạnh tranh theo kiểu gà nhà đá nhau. Thiết nghĩ đó mới là những nguyên nhân chính đưa đến tình trạng èo uột của nghề nuôi cá sấu ở Việt Nam thời gian qua.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nuôi cá sấu ở Việt Nam, Công ty Cá sấu Hoa Cà tin tưởng vào tiềm năng lớn lao của các tỉnh phía Nam về việc phát triển ngành chăn nuôi cá sấu. Khu vực này nếu được đầu tư đúng mức về vốn, khoa học kỹ thuật, con giống, tích lũy kinh nghiệm… có thể trở thành “vựa” cá sấu của thế giới, đem lại nguồn lợi lớn cho nông dân, các doanh nghiệp và đất nước. Để điều đó trở thành hiện thực, cần có mô hình mới tạo sự liên kết kinh doanh chặt chẽ giữa những hộ nông dân với nhau và với các doanh nghiệp nuôi sấu. Mô hình mới này phải bảo đảm sự phân chia quyền lợi minh bạch, công bằng khi cá sấu có giá và hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau giữa các thành viên khi thị trường gặp khó khăn, bị ép giá.
Mô hình đề nghị
Thành lập một doanh nghiệp chăn nuôi cá sấu trung tâm (gọi tắt là DN trung tâm), hoạt động theo mô hình Luật Hợp tác xã năm 2013. Trong DN trung tâm hoạt động theo các điều lệ căn bản sau:
- Mọi hộ nông dân nuôi sấu, doanh nghiệp muốn tham gia DN trung tâm phải góp vốn kinh doanh gọi là thành viên, mức tối thiểu phải bằng một số tiền do điều lệ quy định (ví dụ 1 vốn góp là 1 triệu đồng).
- Hội đồng quản trị (HĐQT) DNCS do các thành viên bầu lên. Lương hoặc phụ cấp cho HĐQT do đại hội thành viên quyết định. Ban giám đốc DN trung tâm do HĐQT thuê, trả lương và báo cáo cho đại hội thành viên hàng năm hoặc 6 tháng tùy theo điều lệ.
- DN trung tâm bảo đảm quyền lợi cho các thành viên bằng việc bảo đảm bao tiêu và bán tất cả sản phẩm của các thành viên với giá công khai và hợp lý.
- Các thành viên phải giao tất cả sản phẩm cá sấu nuôi sản phẩm ra ngoài.
- Mỗi năm tổng kết và chia lãi cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp và tỷ lệ giá trị cá sấu mà thành viên đó đã giao cho DN trung tâm bán.
- Khi có một thành viên gặp khó khăn về tài chính, DNCS trung tâm hỗ trợ để thành viên đó vượt qua khó khăn.
- Thành viên nào vi phạm điều lệ sẽ bị khai trừ và thoái vốn.
Trên đây là đề xuất trong tầm nhìn riêng của chúng tôi với mong muốn những điểm yếu gây hại của nghề chăn nuôi cá sấu hiện nay được sớm khắc phục.
TÔN THẤT HƯNG
Chủ tịch HĐQT Công ty Cá sấu Hoa Cà