Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là CVĐ) đã được triển khai phát động từ tháng 7-2009. Đây là CVĐ mang tính xã hội rộng lớn, sau 7 năm thực hiện đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia, tạo chuyển biến cơ bản trong tiêu dùng của người Việt. Tuy nhiên, so với thực tế yêu cầu đề ra, chương trình còn những hạn chế như: chất lượng nhiều mặt hàng còn thấp, mẫu mã chưa đẹp, giá cả còn cao, sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập còn thấp. Cùng với đó, trên thị trường còn tồn tại và lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng tới uy tín của nhà sản xuất trong nước cũng như gây tâm lý e ngại cho người tiêu dùng.
Cần lan tỏa rộng rãi và đi vào chiều sâu
Đó là nhận định của các đại biểu tại buổi tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện cuộc CVĐ trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức tuần qua. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc tiếp tục phát huy những mặt mạnh, CVĐ cần có các biện pháp phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng để sức lan tỏa của chương trình ngày càng rộng rãi và đi vào chiều sâu hơn trong thời gian tới.
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại siêu thị
Để nâng cao chất lượng của CVĐ, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tại các quận, huyện cũng kiến nghị thời gian tới, các cấp chính quyền TP nên lồng ghép các nội dung CVĐ với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để bình chọn gương “người tốt, việc tốt”, cùng với đó kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân tham gia hưởng ứng tốt CVĐ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên tại các cơ sở, đơn vị cấp phường, xã để tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân hiểu biết và nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của DN trong nước, coi sử dụng hàng Việt Nam là nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Ngoài ra, theo các DN, để CVĐ ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, cơ quan Nhà nước nên có những hoạt động thiết thực, hữu ích hơn nữa để phát động mạnh mẽ và rộng rãi phong trào đến cán bộ, công chức trong các công sở, đơn vị Nhà nước, sinh viên, học sinh, lãnh đạo các cấp chính quyền. Đây là những đối tượng làm gương cho các thành phần khác trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tại đây buổi tọa đàm, các DN cho rằng, một vấn đề khá nóng hiện nay là tình trạng thực phẩm “bẩn”, do đó cần thiết phải đẩy mạnh các chương trình truyền thông nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt được thực phẩm sạch, thực phẩm không an toàn. Qua đó tránh gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, bảo vệ uy tín cho các DN Việt làm ăn đàng hoàng. Các DN cũng kiến nghị: Đối với cơ quan Nhà nước, ngoài tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, cần có cơ chế chính sách rõ ràng hơn trong việc quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng như cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn về thuế, nguồn vốn ưu đãi đối với các DN Việt, có cơ chế quản lý xuất xứ hàng minh bạch rõ ràng hơn. Để người Việt ưu tiên chọn hàng Việt, phía các DN, cơ sở sản xuất cũng cần tăng cường đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để thay đổi kịp thời theo nhu cầu thị trường. Tập trung phát triển và đa dạng nguồn hàng, dịch vụ logistics để đưa hàng hóa đến được điểm bán một cách thuận lợi với chi phí thấp. Đặc biệt, cần áp dụng công nghệ mới, hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm tốt, ổn định, giá cả cạnh tranh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Lo thua trên “sân nhà”
Theo các DN, từ khi phát động CVĐ, chương trình Tự hào hàng Việt Nam, các DN Việt nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, từ đó, tăng nhận thức cho người tiêu dùng trong việc ưu tiên dùng hàng Việt. Tuy nhiên, nhiều DN cũng bày tỏ lo lắng trong bối cảnh hội nhập, nhiều sản phẩm nước ngoài có mặt tại Việt Nam và ngày càng có nhiều người Việt Nam có xu hướng dùng hàng ngoại.
Đại diện Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam cho rằng, DN này hiện đang gặp nhiều thách thức và lo ngại bị mất thị phần ngay trên “sân nhà” khi các mặt hàng dây cáp điện từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều. Các công ty này có mức chiết khấu cao và bán giá quá rẻ. Thực tế, khi chưa hội nhập, hàng nước ngoài bị mất thuế, phí vận chuyển nhưng vẫn cạnh tranh được, thậm chí lấn át hàng Việt. “Vì vậy, muốn có cơ hội cạnh tranh được, các nhà sản xuất Việt Nam luôn nỗ lực tính toán giảm thấp nhất chi phí sản xuất, phân phối, vận chuyển, quản lý để đưa giá bán cạnh tranh nhất”, vị này cho hay. Là DN kinh doanh ngành thực phẩm chế biến, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food cho rằng, hầu hết DN Việt Nam đều là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, do đó rất khó để xây dựng một hệ thống phân phối trong kênh truyền thống, đó là đưa sản phẩm đến từng chợ, cửa hàng, tiệm tạp hóa, vùng sâu vùng xa… Để xây dựng được kênh phân phối này, các DN tốn kém rất lớn, riêng Saigon Food đã tốn cho chi phí trên 10 tỷ đồng. Bà Lâm cũng phản ánh: Để đưa sản phẩm vào siêu thị chi phí chiết khấu rất cao. Hàng thực phẩm đông lạnh ở mức chiết khấu 10% tại hệ thống siêu thị Việt Nam, còn siêu thị nước ngoài là từ 10%-30%. “Saigon Food bán chỉ trong 8 tháng đầu năm ở siêu thị nước ngoài đã lỗ 1 tỷ đồng”, bà Lâm cho hay. Từ đó, bà Lâm cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các hệ thống siêu thị trong nước phát triển, để DN Việt Nam có điều kiện đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng Việt.
Riêng đứng ở góc độ người tiêu dùng, nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng, để tạo thói quen dùng hàng Việt, nên tạo ấn tượng tốt về mặt hàng Việt Nam, chất lượng phải đảm bảo, giá cả hợp lý, độ an toàn cao là tiêu chí để người dân lựa chọn sản phẩm. Muốn an lòng người tiêu dùng Việt Nam, nhà sản xuất, kinh doanh phải có đạo đức, đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng.
VI QUÂN