Để nghề trồng lan phát triển căn cơ

Dịp tết vừa qua, người trồng các loại lan như Mokara, Dendrobium... sản phẩm đặc trưng của nền nông nghiệp đô thị TPHCM đã thắng lớn. Đó là nhận xét của ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP, phát biểu tại buổi giao lưu với các nông dân sản xuất, kinh doanh lan giỏi mới đây.
Để nghề trồng lan phát triển căn cơ

Dịp tết vừa qua, người trồng các loại lan như Mokara, Dendrobium... sản phẩm đặc trưng của nền nông nghiệp đô thị TPHCM đã thắng lớn. Đó là nhận xét của ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP, phát biểu tại buổi giao lưu với các nông dân sản xuất, kinh doanh lan giỏi mới đây.

Tỷ suất lợi nhuận từ 57% trở lên

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, Chi hội phó Chi hội Hoa lan, cho biết dịp tết vừa qua, các sản phẩm hoa lan như Mokara, Dendrobium, Vanda... tại các nhà vườn ở ngoại thành TP đã hết hàng nhiều ngày trước tết, do các mối lái đến đặt mua từ trước. Bên cạnh hoa mai, nhu cầu về lan các loại ở người dân ngày càng phổ biến. Bên cạnh việc trồng lan bán cành quanh năm thì tết là thời điểm được nhà vườn tập trung đầu tư nhiều nhất để bán cả chậu. Lượng hoa phục vụ dịp tết vừa qua khoảng 5,3 triệu chậu, gần 9 triệu cành lan cắt cành, tổng giá trị sản lượng hoa lan là 207,5 tỷ đồng.

Một số xã viên chủ lực của HTX Hoa lan Huyền Thoại tại trang trại lan Huyền Thoại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi

Theo ông Nguyễn Văn Tủi, Trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân TP, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lan Mokara là 57%, với lan Dendrobium là 147%, các loại lan khác như Vanda, Cattelya, Ngọc Điểm, Hồ Điệp gấp 2 - 3 lần. Nếu như giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp TP là 410 triệu đồng/năm thì giá trị sản xuất bình quân năm 2016 của 1ha trồng lan là 700 triệu đồng/năm. Cùng với rau an toàn, thủy sản, cá cảnh, lan các loại giúp cho giá trị sản xuất đất nông nghiệp TP tăng lên hàng năm trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp TP giảm xuống, bình quân cả ngàn hécta/năm.

TPHCM hiện có 5 hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh lan với 70 thành viên; trong đó, huyện Hóc Môn có 1 HTX với 7 thành viên, huyện Bình Chánh 1 HTX với 7 thành viên, quận Gò Vấp 1 HTX với 32 thành viên, riêng Huyện Củ Chi có 2 HTX với 24 thành viên là HTX Hoa lan Huyền Thoại và HTX Hoa lan Đất Việt. Ngoài ra, còn có 21 tổ hợp tác trồng hoa lan được thành lập ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 9, Gò Vấp, Thủ Đức.

Chị Đặng Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc HTX Hoa lan Huyền Thoại (Củ Chi), cho biết HTX mới thành lập cuối năm 2015, gồm 8 thành viên toàn nữ với gần 18ha, đến nay có thêm 4 thành viên mới, nâng diện tích trồng lan lên 21ha. HTX tiêu thụ hoa của xã viên và các hộ trồng diện tích nhỏ xung quanh. Tuy mới thành lập nhưng hoạt động kinh doanh của HTX đều mang lợi nhuận cho các thành viên, gắn kết với nhau, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây sao cho đúng quy cách, tạo được niềm tin lẫn nhau. Thông qua HTX, xã viên mua các loại vật tư nông nghiệp cho việc trồng lan đều rẻ hơn thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/đơn vị sản phẩm... HTX đang có nhu cầu mở rộng diện tích để phát triển lan Mokara cắt cành theo hướng chuyên canh, cánh đồng lớn, gắn với việc ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất sang Lào, Campuchia, Ấn Độ.

Vẫn còn nhiều lo toan

Chị Thanh Huyền cho biết, điều bức xúc của HTX chính là tình trạng phân bón giả, ảnh hưởng việc tăng chi phí giá thành, giảm doanh thu nên lợi nhuận bị thấp. Hệ thống thoát nước chưa đồng bộ ảnh hưởng đến việc trồng lan, nhất là Mokara. Ngân hàng cho vay vốn nhưng định giá đất quá thấp, không sát thị trường nên lượng vay ít so với nhu cầu sản xuất. HTX muốn có thêm đất để mở rộng sản xuất, đề nghị TP xem xét giao quỹ đất chưa sử dụng ở Củ Chi để phát triển thêm diện tích trồng lan các loại theo hướng chuyên canh, áp dụng công nghệ cao.

Ông Đinh Đông Nhựt, Chủ tịch CLB Sinh vật cảnh xã An Phú Tây (Bình Chánh), trăn trở về giống (hiện nằm trong tay các đầu nậu), không đảm bảo chính xác về nhu cầu và chất lượng khi đặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan.

Theo chị Trần Thị Ngọc Tuyết, Phó Giám đốc HTX Hoa lan Huyền Thoại, giống là yếu tố quan trọng để sản xuất hiệu quả, nên mong nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo và chuyển giao cho các nhà vườn để sản phẩm có thể cạnh tranh. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Phước, Giám đốc HTX Hoa lan Ngọc Điểm (Hóc Môn), cho rằng hiện nay thị trường giống cây còn lộn xộn, mặc dù có nhiều phòng cấy mô nhưng chưa đảm bảo chất lượng.

Về tiêu thụ, lan tết hút hàng, giá cao vào các ngày 14-2, ngày 8-3, rồi sau đó là giá giảm dần, rất rẻ, chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/cành. 10 năm nay, giá bông không tăng, chỉ có giảm, đó cũng là quy luật thị trường khi diện tích trồng lan tăng. Hiện tại, lan chủ yếu tiêu thụ trong nước, một ít sang Campuchia. Việc lan vào siêu thị còn khó khăn. Giám đốc HTX Hoa lan Ngọc Điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Phước cho biết, Co.opMart chỉ cho thuê gian hàng, còn Metro thì nhận bán nhưng là ký gửi và tính trên hóa đơn, không chịu trách nhiệm về việc thất thoát...

Về đầu ra cho lan, việc gắn kết giữa du lịch với nhà vườn trồng lan đã có ý tưởng từ khá lâu vẫn chưa thể thực hiện. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết, muốn tìm đầu ra phải xúc tiến để người tiêu dùng biết và sử dụng. Hiện lan Mokara mới dùng cho mùa lễ hội, cho lẵng hoa, người tiêu dùng chưa thật sự biết thưởng ngoạn hàng ngày. Trong khi đó, việc liên kết còn yếu giữa nhà vườn với nhau, cũng như giữa nhà vườn với các ngành khác như du lịch, xúc tiến thương mại tại sân bay... Nhiều nhà vườn còn bị thiếu thông tin trong việc kết nối tiêu thụ. Đây là những vấn đề cần được giải quyết để ngành lan có điều kiện phát triển căn cơ hơn.

Năm 2016, diện tích hoa lan các loại tăng lên 320ha với 1.037 hộ trồng (năm 2010 là 190ha), bình quân 3.000m²/hộ (con số này trước đây là 1.500m²/hộ). Do giá trị đất ngoại thành của TPHCM ngày càng tăng nên đã có 126 hộ trồng lan của TP đến các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… đầu tư mở rộng thêm 170ha trồng lan, cung cấp cho nhu cầu TP và các tỉnh. Ngay cả người Thái cũng phải thừa nhận, thời tiết và thổ nhưỡng Việt Nam phù hợp hơn, nên dù cùng giống lan Mokara nhưng trồng ở Việt Nam đẹp và nhiều hoa hơn. TPHCM là địa phương đại diện về trồng hoa Dendrobium ở Việt Nam.


CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục