Đề nghị báo cáo Quốc hội đầy đủ, toàn diện về vụ việc Formosa

Tại phiên họp sáng 15-9, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình chuẩn bị kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 24 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó Quốc hội làm việc 1 trong 5 ngày thứ bảy. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-10-2016 và dự kiến bế mạc vào ngày 22-11-2016.
Đề nghị báo cáo Quốc hội đầy đủ, toàn diện về vụ việc Formosa

(SGGPO).- Tại phiên họp sáng 15-9, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình chuẩn bị kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 24 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó Quốc hội làm việc 1 trong 5 ngày thứ bảy. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-10-2016 và dự kiến bế mạc vào ngày 22-11-2016.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp sáng 15-9.

Dự kiến, tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án Luật và xem xét lần đầu 12 dự án Luật  khác. Bên cạnh các nội dung được bố trí như thông lệ, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp trước, nội dung báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa đã được bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp. “Đây là vấn đề đang được dư luận xã hội, cử tri và ĐBQH quan tâm, nên đề nghị kết hợp thảo luận cùng kinh tế-xã hội, nếu có vấn đề cần thiết sẽ đưa vào Nghị quyết về kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2017. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo riêng hoặc thể hiện một phần trong báo cáo chung của Chính phủ về kinh tế - xã hội để trình Quốc hội”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về khắc phục sự cố Formosa, về tình hình Biển Đông để trình ra Quốc hội.

Hệ thống xử lý nước thải của Dự án Formosa Hà Tĩnh không đảm bảo đã dẫn đến sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng cho các tỉnh miền Trung. Ảnh: T.L

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết đã kiến nghị với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và nhấn mạnh quan điểm đề nghị Formosa phải hoạt động đúng quy trình thì mới cho tiếp tục hoạt động. “Không biết những kiến nghị của Ủy ban gửi Quốc hội và Chính phủ có lồng được nội dung này vào không”, ông Dũng băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ­Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến… đều bày tỏ quan tâm đến việc khắc phục hậu quả vụ việc Formosa ra sao, tiền bồi thường có được kịp thời đưa đến người dân hay không, có giải quyết được khó khăn cho dân hay không… không nắm được những điều này thì khi tiếp xúc cử tri, ĐBQH sẽ rất lúng túng – ông Nguyễn Đức Hải nhận xét.

Kết luận phiên họp sáng 15-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tất cả nội dung trình ra Quốc hội cần phải chuẩn bị thật chu đáo và đảm bảo đúng Luật, đúng tiến độ và chất lượng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Chúng ta không tránh né nữa, mà Quốc hội cần phải biết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến đất nước, ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước”.

Bao quát hết các loại tài sản công

Bàn về dự án Luật Quản lý tài sản công (sửa đổi) trong khuôn khổ phiên họp của UBTVQH chiều 15-9, nhiều ý kiến yêu cầu dự thảo luật tập trung vào nội dung quản lý nhà nước; thẩm quyền; trách nhiệm quản lý tài sản công. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, có những tài sản công rất khó kiểm kê, đo đếm cụ thể như đất đai, tài nguyên, thiên nhiên... “Phải quy định thế nào để bao quát hết các loại tài sản công theo quy định của Hiến pháp. Cơ quan thẩm tra cho biết dự thảo luật có tới 21 điều giao Chính phủ quy định, cần cụ thể hóa tối đa, đưa vào luật; tập trung vào nội dung quản lý nhà nước, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý tài sản công. Có một thực tế là việc cho thuê, mua sắm, đầu tư, sử dụng tài sản công vẫn còn lãng phí, thất thoát rất lớn”, ông Hiển nói.

Ghi nhận dự thảo luật đã được bổ sung, chỉnh lý nhiều điểm quan trọng - hiện đã là 10 chương, 137 điều (trước chỉ có 4 chương), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu mối quan hệ của luật này với các luật trước đã ban hành. Ông Uông Chu Lưu bày tỏ băn khoăn: “Khái niệm tài sản công hiện nay đã khác trước, nhưng lại liên quan đến rất nhiều luật chuyên ngành. Việc quản lý sử dụng tài sản công như quy định trong luật này có bị chồng chéo với các luật cũ hay không”.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm mong muốn thiết kế luật này thành bộ luật, với phạm vi điều chỉnh bao trùm tất cả các loại tài sản công; tạo hành lang pháp lý để tập trung, quản lý đồng bộ tài sản công. “Chính vì vậy mà còn 21 điều đề nghị được giao Chính phủ quy định”, Bộ trưởng Dũng đề xuất. Cơ bản tán thành quan điểm này, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, tham vọng điều chỉnh cả các loại tài nguyên trong dự thảo luật này là rất khó thực hiện. Theo người đứng đầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách, quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn nguy cơ thất thoát tài sản hữu hình. Nếu làm bộ luật thì cần phải có thêm thời gian để làm cẩn thận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình về quy định có tính nguyên tắc những tài sản công vô hình, trong đó có cả các loại quỹ; các giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần… trong luật này. Liên quan đến tài sản của các tổ chức sự nghiệp có thu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tán thành quy định về quản lý, vận hành tài sản công theo hướng cơ quan, nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự thực hiện quản lý, vận hành tài sản công được giao quản lý, sử dụng hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý, vận hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và nhiều ý kiến khác tại phiên họp bày tỏ thống nhất cao phương án khoán xe công. “Xu hướng các nước lâu nay là khoán xe công, nhưng Việt Nam chưa có sự đổi mới mạnh mẽ. Hiện khoán điện thoại đã thực hiện khá tốt, xóa bỏ được tâm lý “điện thoại chùa”. Đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cho biết vướng mắc ở đâu, có giải quyết được không”, bà Lê Thị Nga nêu vấn đề. Tại kỳ họp tới của Quốc hội, dự án Luật Quản lý tài sản công (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục