Đề nghị báo cáo vụ xe tình thương “chặt chém” 40 triệu đồng chở thi thể từ TPHCM về Bình Định

Ngày 30-3, ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định, cho biết đã yêu cầu Hội Chữ thập đỏ huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) và ông Nguyễn Quốc Đạt, Đội trưởng Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 – Bình Định (thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện Phù Mỹ) báo cáo về sự việc liên quan đến thông tin xe tình thương chở thi thể anh Đ.Q.Đ. từ TPHCM về Bình Định rồi yêu cầu gia đình trả gần 40 triệu đồng.

Thời gian qua, dư luận, mạng xã hội Bình Định vô cùng xôn xao, bức xúc về câu chuyện của anh Đ.Q.Đ. (29 tuổi, quê ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) làm việc ở TPHCM bị tai nạn giao thông tử vong, nhưng gia đình bị các đơn vị từ thiện “chặt chém” tiền chở thi thể anh về quê mai táng.

Nhiều tài khoản facebook bức xúc về sự việc "xe tình thương mai táng 0 đồng" chở thi thể về nhà bị "chặt chém" gần 40 triệu đồng

Cụ thể, khi nghe tin xấu về anh Đ., gia đình có liên hệ đến ông Quốc Đạt người trong đội tình nguyện SOS ở tỉnh Bình Định (tức Nguyễn Quốc Đạt, Đội trưởng Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 – Bình Định) để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Đạt cho biết xe cứu thương của đội không vào được TPHCM, giới thiệu một người tên Tèo (quê ở Bình Định) đang làm dịch vụ cấp cứu tình thương 24/24 tại TPHCM để hỗ trợ “mai táng 0 đồng”.

Tuy nhiên, khi thi thể anh Đ. được đưa về đến quê nhà để mai táng thì tài xế trong chuyến xe ông Đạt giới thiệu hỗ trợ “mai táng 0 đồng” lại đòi tiền khâm liệm hết 34,8 triệu đồng, cộng thêm tiền chi trước đó 5 triệu đồng (2 triệu đồng tiền hỗ trợ thủ tục và 3 triệu đồng tiền xe chở thi thể) nên khi về đến nhà phải trả lại 39,8 triệu đồng. Điều này, khiến cho người nhà anh Đ. vô cùng bức xúc, vì ngay từ đầu đã liên hệ nhờ đến các đơn vị từ thiện giúp đỡ, nhưng cuối cùng lại phải đóng phí rất cao.
Đề nghị báo cáo vụ xe tình thương “chặt chém” 40 triệu đồng chở thi thể từ TPHCM về Bình Định ảnh 2 "Xe tình thương" chở thi thể anh Đ. từ TPHCM về. Ảnh: Gia đình cung cấp

Theo ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, hoàn cảnh kinh tế gia đình anh Đ. khó khăn. Cha anh Đ. bị bệnh tiểu đường nặng, không lao động được. Mẹ anh Đ. là bà Nguyễn Thị Tưởng (55 tuổi) cũng thường xuyên đau ốm phải làm 10 sào ruộng (tương đương 5.000m2).

Ông Hà Văn Cát cho biết, qua điện thoại, ông Đạt có giải thích do “lỗi của cháu là kết nối một địa chỉ không đúng”. Ngoài ra, ông Đạt cũng cho rằng không có chuyện ăn chia gì ở đây, bởi anh Tèo là người ở TPHCM không phải người Bình Định. “Người ta nghi ngờ Đạt có sự ăn chia trong này. Có nhiều người họ đang công kích Đạt trên mạng xã hội tạo nhiều dư luận ầm ĩ lên”, ông Cát nói.

Bố mẹ anh Đ. đều là người nghèo khó, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn

Theo ông Cát, đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 được thành lập từ năm 2019 với tên gọi ban đầu là Đội SOS - Hiệp sĩ TP Quy Nhơn, do ông Nguyễn Quốc Đạt làm đội trưởng.

Cũng theo ông Cát, toàn tỉnh này hiện có 6 đội, nhóm có hoạt động xe cứu thương thực hiện việc vận chuyển 0 đồng. Trong đó, Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định hoạt động công suất cao nhất, tháng 80 chuyến.

“Tuy nhiên, gần đây liên tục bị công kích trên mạng xã hội là do cách làm chưa đúng. Cụ thể, tài khoản vận động của đội có chủ tài khoản là Nguyễn Quốc Đạt nên tạo sự nghi ngờ và tính minh bạch, chưa kịp thời công khai các khoản do “mạnh thường quân” hỗ trợ…”, lời ông Cát.

Ông Cát nói cho biết thêm, không nên sử dụng tài khoản cá nhân trong hoạt động từ thiện vì nguồn tiền ra, tiền vào sẽ không minh bạch. Nên sắp tới, Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định gia nhập Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định thì phải sử dụng tài khoản tập thể.

Qua đây, ông Cát cũng đề nghị các ngành chức năng, đơn vị quản lý các đội, nhóm và cá nhân hoạt động từ thiện cần tăng cường quản lý, theo dõi kịp thời chấn chỉnh tránh những thông tin dư luận không tốt về hoạt động thiện nguyện chung của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục