Đề nghị bổ sung các xã đặc thù vùng ĐBSCL được ưu tiên hỗ trợ vốn

Tại phiên họp của UBTVQH sáng nay, 21-2, UBTVQH đã nghe các tờ trình, báo cáo về việc đề nghị bổ sung đối tượng đặc thù được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và cho ý kiến về vấn đề này.
Đề nghị bổ sung các xã đặc thù vùng ĐBSCL được ưu tiên hỗ trợ vốn

(SGGPO).- Tại phiên họp của UBTVQH sáng nay, 21-2, UBTVQH đã nghe các tờ trình, báo cáo về việc đề nghị bổ sung đối tượng đặc thù được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và cho ý kiến về vấn đề này.

Đề nghị bổ sung các xã đặc thù vùng ĐBSCL được ưu tiên hỗ trợ vốn ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ nhận thấy các xã thuộc vùng đặc thù đồng bằng sông Cửu Long cần được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung các xã thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vào nhóm đối tượng được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương (theo nguyên tắc phân bổ được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020).

Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn trên phạm vi lớn và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (nhất là nước biển dâng)... Mặc dù chưa có báo cáo chính thức đánh giá và so sánh chi tiết, cụ thể về suất vốn đầu tư bình quân của từng vùng miền trên cả nước; tuy nhiên các bộ có liên quan đều nhận định, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở, các công trình công cộng (đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa) bình quân/công trình tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cao hơn nhiều so với suất vốn đầu tư bình quân của cả nước do Bộ Xây dựng công bố. Nguyên nhân chủ yếu do đặc điểm có nhiều kênh rạch, địa chất phức tạp, nền đất rất yếu; nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm, không có sẵn để khai thác tại chỗ mà phải vận chuyển chủ yếu bằng đường thủy từ các vùng khác đến…

Từ thực tế nêu trên, để các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến 2020, bình quân toàn vùng có khoảng 51% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung 1.244 xã (trong đó có 544 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đặc biệt khó khăn) thuộc12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (không bao gồm 36 xã của thành phố Cần Thơ, là địa phương tự cân đối được ngân sách) là những xã nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, điển hình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào nhóm đối tượng đặc thù được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương theo nguyên tắc phân bổ quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, nếu “bóc tách” các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đặc biệt khó khăn, các xã đã cơ bản đạt các tiêu chí NTM, thì số cần phân bổ thêm chỉ chưa tới 500 xã. Nguồn phân bổ thêm lấy từ nguồn dự phòng. Nhấn mạnh yêu cầu không thay đổi các tiêu chí đã được Quốc hội phê duyệt, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói: “Cần phải làm rõ là chỉ bổ sung đối tượng đặc thù cho khoảng 500 xã này thôi chứ không phải tới 1.244 xã”.

Tuy đồng tình với nhận định về suất đầu tư cao hơn ở một số địa bàn đặc biệt, song Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy yêu cầu Chính phủ giải thích một cách thuyết phục hơn về tính đặc thù của địa bàn ĐBSCL.

“Không nên ghép chung mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu vào đây”, bà Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Cùng quan điểm với bà Hải còn có Chủ nhiệm UB VHGDTNTN&NĐ Phan Thanh Bình và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cũng nói: “Để ứng phó với BĐKH thì phải có nhiều công trình khác, không lồng vào chương trình nông thôn mới. Cần phải rà soát cả các vùng khác nữa để có tiêu chí chung xét ưu tiên hỗ trợ, đảm bảo công bằng với các địa phương khác. Như tôi là ĐBQH tỉnh Ninh Thuận thì tỉnh này cũng khó khăn gay gắt”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, qua khảo sát, ông thấy suất đầu tư cho các xã ở vùng ĐBSCL quả thực là thấp hơn cần thiết. “Tôi đến thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, người dân nói tiền phân bổ để xây một phòng học chỉ đủ làm nền thôi”, ông nói.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục