(SGGPO).- Ngày 18-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Đa số ý kiến bày tỏ sự thất vọng với dự án luật và đề nghị Chính phủ rút lại, chưa trình ra Quốc hội kỳ này để “đỡ mang tiếng UBTVQH”.
Thất vọng
Chính phủ trình dự thảo luật này sau thời gian hoàn thành gấp rút theo yêu cầu của UBTVQH (trước ngày 10-10 phải xong các quy trình thẩm tra tại các ủy ban của Quốc hội). Tinh thần chung của của Thủ tướng Chính phủ là mong muốn sửa luật để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định là luôn ủng hộ Chính phủ tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế cho biết, ban đầu dự kiến luật này sẽ sửa 12 luật, liên quan đến 89 điều, nhưng dự thảo chưa làm rõ được tính cần thiết, thống nhất, đồng bộ giữa các luật hiện hành. Một số luật vừa có hiệu lực năm 2015 chưa có thời gian kiểm nghiệm thực tiễn, tổng kết thi hành. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã yêu cầu ban soạn thảo chỉ đưa những gì thật cần thiết, không đưa vào sửa đổi bổ sung những vướng mắc phát sinh từ thi hành luật. Trên cơ sở đó, lần này Chính phủ đã trình dự thảo luật này lên UBTVQH với một số điều chỉnh. Theo đó, thay vì dự kiến dùng một luật sửa 12 luật liên quan với 89 điều, tờ trình lần này đã rút gọn lại, còn sửa đổi 18 điều tại 3 luật: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng. Dự luật cũng đưa bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết trong danh mục đầu tư kinh doanh; hợp nhất 25 trường hợp vào 7 ngành, nghề; chuẩn hóa tên gọi 36 và bổ sung 12 ngành, nghề khác. Như vậy, tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218 (giảm 49 ngành, nghề so với danh mục hiện hành).
Tuy nhiên, sau khi trình ra UBTVQH, hầu hết các ý kiến thể hiện sự không hài lòng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Đọc dự thảo luật Chính phủ trình tôi rất thất vọng, dù tôi ủng hộ sửa”. Dự thảo chưa đưa ra được những điều khoản cần thiết phải sửa để tạo động lực cho doanh nghiệp kinh doanh, phát triển; chủ yếu là những quy định thủ tục hành chính, không nhất thiết phải sửa luật mới thực hiện được. “Những đề xuất sửa này đều là những nội dung chưa đến mức cháy nhà, chết người. Tôi thấy thực sự không yên tâm khi trình ra Quốc hội với nội dung như hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. Ngoài ra, tính chất của các điều luật đưa ra sửa chưa thực sự là những rào cản, nếu sửa sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp.
Các ý kiến khác trong UBTVQH cũng thể hiện sự không hài lòng với dự án luật này. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự án luật dù chuẩn bị khá công phu nhưng hồ sơ không có ý kiến phản hồi của các đối tượng đã lấy ý kiến, nhất là không rõ cộng đồng doanh nghiệp có đề xuất gì không. Với những chính sách, điều luật sửa đổi lần này thì chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề, Hiến pháp quy định chỉ có một số ngành nghề cấm kinh doanh. Tức là chỉ có cấm và không cấm. Vậy có cần thiết các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không? Lắp ráp ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, vậy cũng phải xem có phải điều này tạo điều kiện cho mấy “ông lớn” hay không, có lợi ích nhóm hay không?
Nhiều ý kiến thất vọng với dự án luật và đề nghị Chính phủ rút lại, chưa trình ra Quốc hội kỳ này
“Chưa sửa cũng không chết ai!”
Giải trình trước nhiều câu hỏi đặt ra từ các thành viên UBTVQH, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến phản biện từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội… những đối tượng chịu tác động chính. “Đúng là có những vấn đề nhỏ, nhưng nếu không sửa trong luật thì lại thành vấn đề lớn. Chưa sửa thì có vấn đề gì không? Đúng là chưa sửa thì cũng chưa cháy nhà chết người như Chủ tịch Quốc hội nói. Chúng tôi đã rút từ 89 điều trong 12 luật xuống còn 3 luật, nhưng nếu sửa được thì rất tốt, quá tốt cho doanh nghiệp. Vì đây là những vướng mắc nằm ở trong các luật, còn nếu nằm ở các văn bản dưới luật thì lại khác. Chưa sửa cũng không chết ai, thôi thì để Quốc hội quyết định”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói.
Trước ý kiến giải trình thêm của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, các thành viên UBTVQH thống nhất Chính phủ trình chưa chắc và chưa đầy đủ đánh giá tác động với các đối tượng điều chỉnh, vì vậy nên rút để có sự chuẩn bị kỹ hơn, chưa trình dự luật này ra kỳ họp này. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quan điểm, quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian, chất lượng… chưa đảm bảo và những quy định đề nghị sửa trong dự luật chưa thật cấp bách. Chưa kể 3 luật: Đầu tư, Doanh nghiệp và Xây dựng mới có hiệu lực hơn một năm, thực tế thực hiện chưa phát sinh vướng mắc quá lớn. Nếu không xem xét thận trọng thì việc sửa đổi không những không tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà còn gây nên cản trở mới, tạo xung đột pháp lý. Riêng với danh mục bỏ 36 ngành, nghề, điều kiện kinh doanh, UBTVQH yêu cầu nếu Ủy ban Kinh tế phối hợp với Bộ KH-ĐT rà soát, thống nhất kịp thì sẽ đưa ra trình tại kỳ họp 2 Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20-10.
Thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử
Cùng ngày, UBTVQH cũng thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo tờ trình, để thực hiện việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam bắt đầu từ 1-1-2017, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết tại kỳ họp khai mạc ngày 20-10 tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, đại đa số ý kiến cho rằng, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là rất cần thiết. Đây là một trong những nội dung cải cách hành chính, tăng cường hội nhập mà Việt Nam đang thúc đẩy, nội dung này chưa được quy định trong luật xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ cấp thị thực điện tử có thực sự thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển hay không trong bối cảnh cơ sở hạ tầng, nhân lực của nước ta như hiện nay. Liệu có khả thi không khi áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử đối với tất cả người nước ngoài, không phân biệt đối tượng; thực hiện trên phạm vi cả nước, các cửa khẩu đều chấp nhận visa điện tử… Cùng với đó, việc cấp thị thực có thể bị người nước ngoài lợi dụng để vào Việt Nam trái phép hay không cũng cần tính đến. Về thời gian thí điểm, đa số ý kiến đều tán thành với thời gian thí điểm là 2 năm nếu được Quốc hội cho phép. UBTVQH cho biết sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị về các vấn đề liên quan đến dự thảo nghị quyết.
PHAN THẢO