Đề nghị luật hóa Thừa phát lại

(SGGP).- Tại phiên họp ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe các báo cáo về kết quả triển khai việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội.

Theo các báo cáo, Chính phủ và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều có chung quan điểm đề nghị xây dựng Luật Thừa phát lại làm cơ sở pháp lý để chính thức thực hiện chế định này. Báo cáo của Chính phủ về vấn đề này cho biết, ngoài TPHCM đã thực hiện từ năm 2010, đến nay, việc thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 và Đề án số 510/QĐ-TTg đang được thực hiện tại 13 địa phương, gồm: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, khoảng 50% trong số này được tổ chức theo hình thức công ty hợp danh và 50% được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp tư nhân.

Chính phủ đánh giá, việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và đã đạt được những kết quả tích cực. Mặc dù có hạn chế về số lượng và chưa được đào tạo bài bản chuyên sâu về nghiệp vụ liên quan, nhưng đội ngũ Thừa phát lại bước đầu đã đáp ứng yêu cầu để thực hiện các hoạt động theo quy định: lập vi bằng, tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án, trong đó có những lĩnh vực đạt kết quả tương đối tốt (lập vi bằng, tống đạt)…

Chính phủ nhận định: xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn; từ bối cảnh tình hình, nhu cầu của các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự và xu hướng phát triển nghề Thừa phát lại trên thế giới…, có thể thấy rằng việc thực hiện chế định Thừa phát lại ở nước ta trong thời gian tới đây là cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã xác định trong Nghị quyết số 39-NQ/TW. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả chế định Thừa phát lại, Chính phủ đề nghị nghiên cứu, xây dựng Luật Thừa phát lại để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2017), gắn với việc tổng kết thực hiện chế định Thừa phát lại.

Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cũng tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và cho kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định Thừa phát lại, đồng thời giao Chính phủ chuẩn bị dự án Pháp lệnh Thừa phát lại hoặc Luật Thừa phát lại báo cáo UBTVQH xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XIV. Trước mắt, các tổ chức Thừa phát lại đã được thành lập tiếp tục hoạt động theo quy định của Chính phủ; việc mở rộng hoạt động Thừa phát lại tại địa phương do Chính phủ tổ chức thực hiện phù hợp với nhu cầu thực tế.

Cùng ngày, UBTVQH cũng đã họp riêng để nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.

ANH THƯ 

Tin cùng chuyên mục